Tại Việt Nam, có một số đền, chùa hấp dẫn khách du lịch nằm trên núi cao, thách thức kỹ năng của các bác tài. Do đó, dưới đây là những kinh nghiệm chạy xe đường đèo dốc để giúp các tài xế có những chuyến đi an toàn, thuận lợi.
Kiểm tra khả năng vận hành của ô tô
Lưu ý, các cung đường đèo dốc thường rất ít trạm xăng. Vì vậy, chủ xe cần đổ đầy bình xăng trước khi khởi hành. Đồng thời, khi lên dốc cao, động cơ sẽ hoạt động hết công suất. Do đó, tài xế nên kiểm tra mức dầu máy và nước làm mát động cơ, không được chủ quan với những yếu tố này. Ví dụ, nếu nước làm mát không đủ, hệ thống truyền động có thể gặp trường hợp quá nhiệt, khiến chuyến đi bị gián đoạn.
Ngoài ra, tài xế cần đảm bảo hệ thống an toàn của ô tô bao gồm phanh, lốp, hệ thống dẫn động, đèn hoạt động ổn định. Nếu nhận ra các bộ phận kể trên gặp trục trặc, chủ sở hữu cần mang phương tiện đến các trung tâm bảo dưỡng để kiểm tra, bảo dưỡng kịp thời.
Không ‘ôm’ sát vạch chia làn đường
Để đảm bảo an toàn cho các phương tiện chạy ngược chiều, tài xế không nên lái xe bám sát vạch phân làn ở giữa. Đáng chú ý, tại những khúc cua, đoạn đường nhiều xe máy lưu thông, nếu điều khiển ô tô sát vạch chia làn, các xe sẽ rất dễ xảy ra va chạm vì nhiều khả năng các phương tiện sẽ có xu hướng lấn làn, vượt trái.
Đáng chú ý, trong trường hợp tầm nhìn bị hạn chế do thời tiết xấu như sương mù, mưa nặng hạt, tài xế nên quan sát vạch kẻ đường để di chuyển, tập trung lái xe để xử lý tình huống phát sinh kịp thời.
Giữ tâm thế nhường đường cho các xe khác
Khi lái xe đường đồi núi, tài xế không có lí do gì để vội vàng. Yếu tố cần lưu ý đầu tiên là sự an toàn, cẩn trọng. Trong khi đó, đường đèo thường nhỏ, hẹp nên nhường đường cho các phương tiện khác là sự lựa chọn thông minh để tránh ách tắc giao thông và những sự cố va chạm.
Đồng thời, độ dốc của đường đèo khiến sức mạnh động cơ gặp nhiều áp lực, khó có thể phát huy hiệu suất khi chạy đường bằng. Vì vậy, tài xế chỉ vượt xe khác trong điều kiện an toàn và xác định khoảng thời gian đủ để xe trở lại đúng làn sau khi vượt.
Quan sát cẩn thận các biển báo nguy hiểm
Khi di chuyển, tài xế cần đặc biệt lưu ý các biển báo nguy hiểm trên đường. Biển báo này giúp người lái có thể xác định trước tình huống xảy ra ở trên cung đường sắp tới, chủ động giảm tốc để xử lý tình huống.
Nghỉ ngơi khi cảm thấy mỏi mệt
Việc lái xe đường dốc sẽ khiến tài xế mệt mỏi hơn bình thường khi phải liên tục căng mắt quan sát, nhấn côn, ga. Điều này khiến người lái sẽ nhanh mỏi lưng, mỏi chân, thậm chí dẫn tới tình trạng chuột rút. Do đó, nếu nhận thấy cơ thể dần mỏi mệt khi lái xe trên đường đèo, người điều khiển cần tìm địa điểm an toàn để nghỉ ngơi, đảm bảo thể trạng tốt nhất.
Kinh nghiệm khi lái xe lên dốc
Trước khi lên dốc, động cơ cần được làm mát. Vì vậy, tài xế cần đỗ xe ở vị trí an toàn để bộ phận này xả nhiệt. Tiếp đó, người lái cần cho xe chạy không tải, động cơ vẫn nổ máy trong khoảng thời gian ngắn. Tuyệt đối không được mở nắp két nước khi chạy không tải, tốt nhất nên bật chế độ sưởi trong xe.
Lưu ý, người lái nên nỗ lực duy trì vận tốc xe phù hợp khi leo đèo. Nếu cần thiết, hãy tắt một số tính năng trên xe như điều hòa AC, loa để giúp động cơ đạt hiệu suất tốt hơn.
Cách đổ đèo an toàn
Trên thực tế, một số vụ tai nạn đã diễn ra khi ô tô bị mất phanh khi xuống dốc dài. Do đó, nhiều tài xế lâu năm cho rằng độ dốc thực tế của con dốc, tình trạng địa lý, tình trạng địa hình, tình trạng tham gia giao thông là những yếu tố quan trọng để quyết định nên để cần số nào.
Khi bắt đầu xuống dốc, người lái kết hợp phanh động cơ và hộp số để giảm tốc độ thay vì đạp phanh liên tục. Đối với xe trang bị hộp số sàn, tài xế nên để số 1 hoặc 2 tùy thuộc vào độ dốc. Ở xe số tự động, các bác tài có thể chuyển sang chế độ lái xe M, rồi để số thấp rồi xuống dốc.
Trong trường hợp phanh xe phải hoạt động nhiều và có mùi khét, người lái cần tìm một địa điểm an toàn như những hốc lánh nạn để dừng xe. Tuy nhiên, khi phát hiện bộ phận này có vấn đề, chúng ta nên liên lạc hỗ trợ giao thông thay vì cố đi hết đoạn đường.
Kỹ năng di chuyển đường dốc không dải nhựa
Các đoạn đường đèo dốc không rải nhựa luôn tạo nên sự trơn trượt, mất độ bám đường của lốp. Vì vậy, khi di chuyển trên những cung đường này, người lái cần chủ động cập nhật thời tiết để có phương án xử lý phù hợp. Khi trời mưa, mặt đường trơn trượt, người lái nên dừng xe tại một địa điểm an toàn. Nếu dự báo xuất hiện sạt lở, lũ quét, lũ ống, tốt nhất nên hủy chuyến đi
Cùng với đó, tài xế nên ‘ôm’ cua rộng hơn khi di chuyển trên đường nhựa do bánh xe chạy đường đất có độ bám đường không tốt.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết