Để đảm bảo những chuyến off-road suôn sẻ, tài xế cần phân biệt từng loại địa hình phổ biến. Đáng chú ý, trên những mẫu SUV thân rời và bán tải đời mới, các nhà sản xuất đã bổ sung một số tính năng để hỗ trợ tài xế vượt qua những cung đường gập ghềnh.
Bùn trơn
Di chuyển trong bùn sâu, khả năng bám đường của lốp xe sẽ giảm. Do đó, tài xế cần giữ chân ga ổn định để vượt qua, giữ số 2 hoặc 3. Nếu bánh xe có dấu hiệu trơn trượt, hãy giảm ga để lấy lại độ bám.
Đồng thời, người điều khiển có thể chọn chế độ Mud/Ruts của hệ thống kiểm soát địa hình. Công nghệ này sẽ tự đưa ra lực kéo tối ưu, giúp truyền lực tới các bánh xe mạnh nhất có thể. Tuy nhiên, người lái không nên sử dụng chế độ Mud/Ruts ở mặt đường có độ cứng cao vì có thể làm hỏng bộ truyền động.
Rãnh lầy
Đi đúng theo vệt rãnh là cách khuyến nghị để tận dụng độ bám có sẵn trên nền đường. Kỹ năng lái xe qua địa hình này cũng tương tự cách lái trên đường bùn.
Lưu ý, tài xế luôn phải theo dõi hướng tới của lốp trước, tránh lệch khỏi rãnh. Nếu chiếc xe sở hữu hệ thống quan sát địa hình (off-road camera), hãy tận dụng nó. Đặc biệt, người lái cần đảm bảo không để mất khoảng sáng gầm với mặt đất.
Rãnh sụt ngang
Rãnh sụt chắn ngang đường là kiểu hố ngang sâu, cứng hoặc ướt, có bề rộng lớn hơn đường kính lốp. Trong tình huống này, tài xế phải lấy góc lái theo góc chéo, đảm bảo không cho hai lốp cùng trục nằm dưới rãnh.
Nền cát phổ biến
Đối với địa hình này, tài xế cần đi số thấp và giữ ga mạnh đều liên tục, tuyệt đối không nhấp nhả chân ga. Đồng thời, chủ sở hữu nên giảm bớt áp suất lốp (không giảm quá 15psi) nhằm tăng diện tích bề mặt lốp.
Lưu ý, tài xế không được phanh gấp, quay vòng hẹp trên cát. Nếu đã sa lầy, đừng cố đạp ga mạnh. Nếu cần đỗ xe trên cát, người lái cần tìm điểm đỗ cho xe đạt độ dốc để dễ khởi hành hơn.
Cát biển
Dải cát cứng và an toàn nhất trên bãi biển là khoảng giữa mức thủy triều lên và 4 mét cách mép nước. Do đó, khi đi qua khu vực này, tài xế nên canh chừng giờ thủy triều dâng để khởi hành. Đáng chú ý, người lái cần tránh điều khiển xe hơi dưới mép nước biển vì khiến tuổi thọ “xế cưng” nhanh giảm. Nếu sụt hố trên cát biển, hãy đổ nước vào hố lún để làm cứng cát xốp.
Cát sa mạc
Người lái cần lái xe ở cấp số cao, đều ga. Hãy đi vòng quanh các cồn cát, tránh vượt qua chúng vì phần đỉnh luôn là điểm lầy. Nếu phải chạy xe trên một vách cát nghiêng, tài xế cần đi xe liên tục cho đến khi qua, tuyệt đối không được dừng lại. Đáng chú ý, tốt nhất các tay lái không nên di chuyển vào vùng cát nếu không thật sự cần thiết.
Nền đá hộc
Khi lái xe qua nền đá hộc, tài xế cần di chuyển thật chậm với số thấp nhất và để chế độ 4L (hai cầu chậm). Cùng với đó, người lái nên ra khỏi xe và quan sát bề mặt để định hướng các cung đường.
Nếu có người hỗ trợ, hãy để người bạn đồng hành chỉ dẫn các điểm đặt lốp và hướng lái. Đáng chú ý, tài xế cần liên tục thay đổi góc lái để tiếp cận các vật cản theo đường chéo. Hãy đảm bảo ba bánh xe luôn bám trên mặt đất mọi lúc.
Trong tình huống bị trượt nghiêng, tài xế hãy đánh lái theo hướng nghiêng và nhấp nhẹ ga để lấy lại thăng bằng. Cùng với đó, khi bánh xe đang lên dốc bắt đầu trượt vì bị mất lực kéo, hãy dừng lại ngay, lùi lại và chọn một góc lái khác hoặc tìm tuyến đường phù hợp hơn.
Sỏi đá trơn trượt
Sỏi là bề mặt thay đổi liên tục, có độ bám thấp, vì vậy tài xế hãy lái xe với tốc độ chậm, hạn chế đánh lái đột ngột. Đồng thời, người điều khiển phải luôn chừa một khoảng cách đủ rộng giữa xe của mình và các phương tiện khác để giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra. Cùng với đó, hãy tránh những đám bụi dày của địa hình hoặc do xe khác tạo nên vì chúng làm giảm tầm nhìn.
Đối với những mẫu xe đời mới, người lái có thể sử dụng chế độ 4H (dẫn động bốn bánh toàn thời gian) và bật kiểm soát cân bằng.
Vùng suối
Trước khi lái xe qua suối, tài xế nên quan sát và ước tính mực nước sâu. Tất cả những mẫu xe có cấu trúc hai cầu đều công bố về khả năng lội suối nên chủ sở hữu cần nắm rõ thông số này.
Khi đi qua suối, chúng ta nên chọn số thấp, đi chậm, cố gắng không phanh dừng, tăng giảm ga hay chuyển hướng liên tục. Đồng thời, lội qua vùng nước luôn có thể gặp rủi ro lớn, vì vậy hãy gắn trước móc kéo ở xe, hạ bớt cửa kính trước khi di chuyển, nhằm đề phòng trường hợp cần trợ giúp.
Nếu đi theo đoàn, hãy cố gắng chờ xe trước đi qua hoặc giãn khoảng cách đủ xa. Khi lội suối, tài xế cần di chuyển liên tục, ổn định và đảm bảo đủ không gian để xử lý.
Hố gập ghềnh
Di chuyển qua các hố gập ghềnh luôn khiến các tài xế gặp thách thức nhưng trên thực tế, không khó để xe hai cầu đi qua định hình này. Điều kiện mất ổn định của mặt đường sẽ khiến chiếc xe nghiêng vặn, thay đổi liên tục giữa các góc lái, lốp và tầm nhìn. Do đó, tài xế sẽ phải kiểm soát lực bám, chân ga, góc lái, sự cân bằng, khoảng sáng gầm và tìm điểm đặt lốp.
Nguyên tắc là đi chậm, đặt chế độ hai cầu (4H/4L), ga đều, bật khóa vi sai. Tuyệt đối tránh để 2 lốp cùng trục rơi xuống hai hố cùng lúc.
Vách nghiêng
Lái xe trên vách nghiêng khiến tài xế có cảm giác lo lắng vì tầm nhìn góc lái giống như xe sắp lật. Tuy nhiên, xe hai cầu thường có khả năng đi nghiêng an toàn với góc dưới 35 độ.
Khi điều khiển xe qua khu vực này, tài xế không để góc lái hướng lên trên đỉnh vách, luôn điều khiển xe với xu hướng đánh lái theo chân vách, giúp giảm thiểu nguy cơ bị trôi.
Nếu có hiện tượng trượt ngang, tuyệt đối không đánh lái ngược hướng trượt theo bản năng. Hành động này rất nguy hiểm, khiến xe mất trụ bám. Đáng chú ý, tài xế nên quan tâm tới những vật đặt trên giá nóc, khiến xe tăng góc nghiêng, dẫn đến bị lật.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết