Chiều 22/2, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM đã họp giao ban với các quận huyện và TP Thủ Đức về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Phát biểu tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng nhận định biến chủng Omicron đang chiếm ưu thế trên địa bàn TP.HCM.
Nhận định này dựa trên kết quả tầm soát ngẫu nhiên biến chủng Omicron bằng xét nghiệm PCR tại TP.HCM từ ngày 10/2 đến ngày 17/2, có 70/92 mẫu bệnh phẩm cho kết quả dương tính với biến chủng Omicron (chiếm 76%). Nhóm biến chủng Delta chỉ còn chưa đến 30%.
Theo ông Thượng, đây là cách khảo sát mới để ứng phó với biến chủng Omicron. Để khẳng định độ chính xác của phương pháp này, ngành y tế tiếp tục lấy ngẫu nhiên 26 mẫu trong 70 mẫu nhiễm biến chủng Omicron để giải trình tự gien và 100% kết quả là biến chủng Omicron.
“Đây là cơ sở khoa học cho thấy biến chủng Omicron tại TP.HCM đang tăng cao. Điều này cũng một phần lý giải cho số bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn có chiều hướng tăng” – ông Thượng nói.
Ông Tăng Chí Thượng cũng nhận định nguy cơ biến thế BA.2 đã tồn tại trên địa bàn TP.HCM, nhưng cần những nghiên cứu, đánh giá sâu hơn. BA.2 – là chủng Omicron “tàng hình”, đã thay thế chủng Omicron ban đầu để trở thành virus thống trị ở một số nước trên thế giới. Biến chủng này được cho là có khả năng gây bệnh nặng, lây lan nhanh, vô hiệu hóa miễn dịch, vaccine và khó phát hiện qua xét nghiệm.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị nhóm nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu cùng Sở Y tế sớm chuẩn bị kịch bản trong trường hợp biến thể mới này xuất hiện. TP.HCM cần dự tính cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
“Cần chuẩn bị cho tình huống biến thể này không được phát hiện ra ngay cả khi xét nghiệm, vaccine không bảo vệ được thì chúng ta cần làm gì?” – ông Nên nói.
Theo PLO