Sở Văn hoá và Thể thao thành phố Hà Nội mới đây đã ra thông báo tạm dừng tổ chức triển lãm chủ đề “Điện Biên Phủ”.
Tạm dừng ngay trước giờ khai mạc
Ngày 8/5, Sở Văn hoá – Thể thao Hà Nội ra thông báo tạm dừng Triển lãm mỹ thuật chủ đề “Điện Biên Phủ”.
Theo lý giải của Sở Văn hoá – Thể thao Hà Nội, sau khi nhận được thông tin về triển lãm còn có ý kiến khác nhau về một số tác phẩm cần làm rõ hơn tránh hiểu nhầm, Sở đã làm việc với tác giả, cơ quan quản lý địa điểm tổ chức yêu cầu tạm dừng và các bên có liên quan thống nhất tạm dừng tổ chức triển lãm.
Theo TTXVN, việc tạm dừng triển lãm trên được Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội công bố trước giờ khai mạc chỉ 2 tiếng. Theo đó, vào lúc 15h chiều ngày 7/5, đại diện Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội, đại diện Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh – Triển lãm đã có buổi làm việc với các bên liên quan.
Kết quả sau buổi làm việc khẩn, Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội yêu cầu tạm dừng triển lãm này vì “có thông tin cho rằng một số bức tranh có thể gây hiểu nhầm”.
Trả lời báo Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông xác nhận có việc có văn bản của Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh – Triển lãm yêu cầu Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội dừng triển lãm và nói thêm rằng “Trong thông báo không có bất cứ vấn đề gì dính đến nội dung. Chỉ yêu cầu rà soát thôi. Vì bên cấp phép chính là bên chịu trách nhiệm, Bộ không đánh giá có cái gì hay không có cái gì. Văn bản không đánh giá nội dung bức này hay bức kia có cái gì cả”.
Trước đó, Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội đã cấp giấy phép số 133/GP-SVHTT cho triển lãm này (Phó Giám đốc Phạm Thị Mỹ Hoa ký). Theo đó, họa sỹ Mai Duy Minh được trưng bày 88 tác phẩm từ ngày 7/5 đến ngày 20/5.
“Vì một số bức tranh gây hiểu nhầm”?
Trước đó, thông tin từ nhà tổ chức gửi tới báo chí cho biết tại triển lãm này, lần đầu tiên một bức tranh sơn dầu có kích thước lớn, 190×490 cm, vẽ trên toan liền khổ, về chủ đề chiến đấu và chiến thắng Điện Biên Phủ được triển lãm ở Việt Nam. Đây là kết quả của 10 năm làm việc của họa sĩ Mai Duy Minh.
Sau khi thông báo tạm dừng triển lãm “Điện Biên Phủ” được đưa ra, bức tranh chính trên của triển lãm đã lan truyền trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng và tạo ra nhiều luồng ý kiến.
Hình ảnh nhân vật trung tâm bức tranh là một anh bộ đội gầy gò, đứng trên đống đổ nát của chiến trường, cầm lá cờ bị rách khiến dư luận tranh cãi nhiều nhất.
Nhiều người tỏ ra đồng tình với quyết định dừng triển lãm kịp thời của Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội vì hình ảnh người lính Điện Biên trong khoảnh khắc chiến thắng được họa sĩ Mai Duy Minh khắc họa khác hoàn toàn với các tác phẩm mỹ thuật quen thuộc trước đây về chiến thắng Điện Biên Phủ.
Trên trang Facebook cá nhân, ông Đỗ Cao Bảo (lãnh đạo một doanh nghiệp công nghệ) bày tỏ sự ủng hộ việc dừng triển lãm trên và nói thêm rằng: “Tất cả các bức ảnh thời sự chụp các chiến sĩ, sĩ quan, tướng lĩnh quân đội Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ (ngay thời khắc lịch sử 7/5/1954) hiện vẫn còn đó, dù là ảnh của Pháp chụp hay ảnh của các nhà báo quốc tế trung lập chụp cũng thế, không có cái ảnh thời sự nào có anh bộ đội gầy, xấu và có khuôn mặt ác, không thiện lành như bức tranh ấy”.
Hay như nhà báo Chiến Văn (Báo QĐND) cũng bày tỏ trên mạng xã hội Facebook rằng: “Nnhìn vào bức tranh mình thấy có 3 điều: Một là tổng thể bức vẽ quá xấu. Hai là không phản ánh đúng hiện thực lúc đó chút nào cả. Ai bảo người lính kia đại diện cho hiện thực, thực tế diễn ra lúc đó xin đưa dẫn chứng ra để chứng minh?! Còn tôi đọc, xem lịch sử về chiến dịch Điện Biên Phủ chưa gặp hình ảnh nào như vậy hoặc tương tự như thế. Ba là cảm giác người vẽ bức tranh này không có cái nhìn tích cực. Người có tinh thần dân tộc khi hình dung về chiến sĩ Điện Biên là sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh hào hùng, oai phong, uy nghiêm, oanh liệt. Chiến thắng mang tầm vóc “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” chẳng lẽ lại bị tái hiện qua hình ảnh nhếch nhác, lấm lem, méo mó này sao???”.
Trái ngược với 2 ý kiến trên, nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Phạm Trung (Viện Mỹ thuật-Đại học Mỹ thuật Việt Nam) thì cho TTXVN hay: “Nhân vật trung tâm là người chiến sỹ gầy gò, nhỏ bé, cầm lá cờ bị rách. Tuy nhiên, đằng xa vẫn có tuyến nhân vật khác, có người cầm cờ tiếp tục xông lên phía trước, có hình ảnh lính Pháp đầu hàng. Tôi cho rằng sự bi hùng trong bức tranh được thể hiện rất hợp lý, bi tráng khốc liệt vẫn gợi lên cảm giác hào hùng và tương lai tươi sáng về sau”.
Về phía nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Vũ Huy Thông (Đại học Mỹ thuật Việt Nam) khi được PV Tuổi trẻ hỏi về tác phẩm gây tranh cãi trên thì lý giải tác phẩm được vẽ theo ngôn ngữ hiện thực. Hình ảnh người lính phất lá cờ bị rách vì bom đạn rất khác với những hình tượng vạm vỡ, cường tráng được ca ngợi trước đây.
Hiện Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội vẫn đang rà soát triển lãm và khẳng định “sẽ có câu trả lời trong thời gian sớm nhất” cho họa sĩ. Họa sĩ Mai Duy Minh và đơn vị tổ chức cũng chỉ biết cách chờ đợi vì đã qua ngày khai mạc triển lãm theo dự kiến.
Lifehub tổng hợp