Tại sao thế?
Khi nói xấu sau lưng người khác, chúng ta đang tự khiến mình căng thẳng. Cảm xúc tiêu cực tích tụ dẫn đến việc ăn quá nhiều, ngủ kém chất lượng, gây hại cho sức khỏe tâm thần.
“Nhìn cách người phụ nữ đó ăn mặc, trang điểm kìa! Cô ta không biết rằng kiểu đó đã lỗi thời cách đây 100 năm rồi sao?”; “Mẹ chồng tôi già rồi mà còn đi tập thể dục! Bà ấy định sống bao lâu nữa đây?”. Đó là một vài ví dụ về vấn đề mà người Nhật gọi là warukuchi (nói xấu) đã tồn tại từ lâu trong xã hội.
Tuần báo phụ nữ Josei Seven gần đây công bố phát hiện: warukuchi có hại cho sức khỏe tâm thần. Cụ thể hơn, thói quen nói xấu người khác có thể khiến chúng ta tổn thọ, nhiều nhất là 5 năm.
Theo Japan Today, lựa chọn tốt hơn là mọi người nên cố gắng xoa dịu những suy nghĩ cay nghiệt trong lòng.
Vấn đề nằm ở chỗ thói quen nói xấu cá nhân khác khiến nhiều người cảm thấy rất “đã”. Cảm xúc này có thể giải thích về mặt tâm lý, xã hội hoặc hóa học. Ở đây, chất hóa học là dopamine (hay hormone khoái cảm) được não tiết ra để khuyến khích chúng ta lặp đi lặp những hành động nhất định. Việc “mổ xẻ”, bàn tán về người khác sẽ kích thích sản sinh ra chất này.
Về mặt tâm lý, việc chê bai ai đó xấu xí khiến người ta cảm thấy mình xinh đẹp; gọi cá nhân khác là kẻ ngốc thì bản thân cảm thấy thông minh hơn; nếu cho rằng người kia đạo đức giả thì mình có đức hạnh.
Bên cạnh đó, bất kỳ hoạt động xã hội nào, dù thân thiện đến đâu, đều kích hoạt tính cạnh tranh trong mỗi con người.
Nhà thần kinh học Risa Sugiura nhận định: “Chúng ta luôn so sánh mình với người khác. Tức thời, ta cảm thấy mình kém cỏi, dẫn đến tâm lý căng thẳng, đòi hỏi bản thân phải khắc phục. Điều đó kích thích cơ thể tiết dopamine. Vốn dĩ đó là chất hóa học vô hại, thậm chí có lợi, với liều lượng vừa phải. Nếu chúng ta đều cảm thấy hài lòng ở mức độ vừa phải thì sẽ không có cái gọi là nghiện”.
Tuy nhiên, theo bà Sugiura, warukuchi – giống như các cách thỏa mãn tâm lý khác – kích thích cơ thể tiết quá nhiều dopamine để có được sự hài lòng hơn.
Theo bác sĩ tâm thần Shion Kabasawa, bộ não được cấu tạo để những lời chế nhạo và lăng mạ giống như boomerang, khiến người nói ra bị tổn thương không kém gì mục tiêu của họ.
Ông lấy ví dụ khi một người đang đi bộ trên phố và nghe thấy ai đó hét lên: “Đồ ngu ngốc!”. Theo phản xạ, hạch hạnh nhân trong não không thể phân biệt giữa những điều họ nghe được và nói ra. Do đó, dù bị ai đó nói xấu hoặc chính mình là người chỉ trích, mỉa mai cá nhân khác thì hạch hạnh nhân đều mang lại nguy hiểm như nhau. Nói cách khác, khi nói xấu người khác, chúng ta đang tự làm mình căng thẳng. Càng làm điều đó nhiều, chúng ta càng trở nên stress.
Tình trạng căng thẳng dẫn đến việc ăn quá nhiều, ngủ kém chất lượng, gây nguy hiểm cho sức khỏe tâm thần. Bên cạnh đó, việc kích hoạt hạch hạnh nhân, khiến vỏ não trước trán phải làm việc quá sức, có thể gây mất trí nhớ, dẫn đến chứng sa sút trí tuệ.
Do đó, các chuyên gia khuyên mọi người nên kiềm chế lời nói không hay trong suy nghĩ. Thông điệp của Josei Seven là: hãy giữ mọi thứ trong giới hạn.
LifeHub