Một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở Hà Nội cho biết, trước bối cảnh giá xăng dầu nhập đang hạ nhiệt, giá xăng trong nước có khả năng sẽ giảm vào ngày 11.7 tới.
Bộ Công Thương cho biết, sáng nay (5.7), giá xăng nhập từ Singapore rớt rất mạnh chỉ còn 145 USD/thùng. Như vậy, giá xăng nhập đã rớt 4 phiên liên tiếp, mở ra kỳ vọng giá xăng trong nước sẽ có đợt giảm thứ 2 liên tiếp vào kỳ điều chỉnh ngày 11.7 tới.
Giá xăng nhập rớt do giá dầu thô toàn cầu đang giảm. Theo các chuyên gia, chính việc thị trường đang lo ngại suy thoái kinh tế xảy ra trên toàn cầu đã đẩy giá dầu hạ nhiệt bất chấp nguồn cung vẫn chưa có dấu hiệu lạc quan nào.
Lo ngại về suy thoái đã đè nặng lên thị trường trong hai tuần qua nhưng nguồn cung vẫn thắt chặt kéo dài nên đã ngăn giá giảm mạnh hơn.
Trao đổi với Lao Động, một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở Hà Nội cho biết, trước bối cảnh giá xăng dầu nhập đang hạ nhiệt, giá xăng trong nước có khả năng sẽ giảm vào ngày 11.7 tới. Cụ thể, đến thời điểm hiện tại, giá xăng RON 95 đang dương 1.140 đồng mỗi lít, giá xăng E5 dương 1.310 đồng mỗi lít, giá dầu DO dương 1.940 đồng mỗi lít. Nếu không trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu, giá xăng sẽ giảm tương ứng.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong cơ cấu giá xăng, dầu, ngoài phụ thuộc vào giá thế giới thì giá trong nước còn gánh thêm 4 sắc thuế như: Thuế nhập khẩu, bảo vệ môi trường, giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt và các khoản phí như chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… Tính chung lại tổng thuế, phí hiện chiếm tới 44% trong giá bán ra của xăng, dầu.
Do đó, theo các chuyên gia kinh tế, để giảm giá xăng, dầu, cần rà soát lại các chi phí cấu thành giá xăng, dầu. Trong đó, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp xăng, dầu còn chưa hợp lý, cần phải tính toán, cân đối lại. Bên cạnh đó, có thể kiểm soát giá thông qua điều hành chính sách thuế.
“Giảm thuế, phí là giảm ngay nguồn thu ngân sách với những con số rất cụ thể. Ngược lại, nếu giá xăng, dầu vẫn ở mức cao, sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống mọi người dân. Hậu quả của tác động tiêu cực này chưa định lượng ngay được, nhưng chắc chắn là không nhỏ”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.
Sau 7 lần tăng liên tiếp, ngày 1.7 vừa qua, giá xăng sinh học E5 giảm 410 đồng/lít về mức 30.890 đồng/lít, xăng A95 giảm 110 đồng/lít về mức 32.760 đồng/lít; dầu diesel giảm 400 đồng, còn 29.610 đồng/lít. Dầu hoả giảm 430 đồng/lít, còn 28.350 đồng. Dầu mazut còn 19.720 đồng/kg, tương đương mức giảm 1.010 đồng/kg.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết