Lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dự báo giá mặt hàng này có thể giảm nhẹ trong kỳ điều hành ngày 11/1.
Theo VTC News đưa tin, lúc 17h ngày 9/1 (giờ Việt Nam), trên Oilprice, giá dầu WTI của Mỹ giao dịch ở mức 76,4 USD/thùng, tăng 2,64 USD mỗi thùng, tương ứng tăng 3,6% so 24 giờ trước đó; dầu Brent giao dịch mức 81,23 USD/thùng, tăng 3,39%, tương ứng thêm 2,6 USD mỗi thùng.
Mức giá này dù tăng khá nhưng vẫn thấp hơn bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá 21/12/2022 và kỳ điều hành 3/1. Cụ thể, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa hai kỳ điều hành giá này là 89,110 USD/thùng xăng RON92 và 92,513 USD/thùng xăng RON95.
Trên thị trường Singapore tính đến 6/1, giá các mặt hàng xăng dầu đều giảm nhẹ so với mức giá bán lẻ được liên Bộ Công Thương – Tài chính công bố ngày 3/1 vừa qua. Mức chênh lệch dao động từ 180 – 400 đồng/lít/kg.
Theo đó, ghi nhận trên VnExpress, lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở TP HCM cho biết lần điều chỉnh này, nếu nhà điều hàng không sử dụng Quỹ, xăng có thể giảm 100 đồng, còn dầu hạ khoảng 200-300 đồng một lít.
Giám đốc doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở Hà Nội cũng dự báo kỳ này, giá xăng không thay đổi, còn dầu có thể giảm về dưới 21.000 đồng một lít nếu nhà điều hành không sử dụng Quỹ. Ngược lại, nếu cơ quan điều hành trích Quỹ, dầu có thể được giữ nguyên như xăng.
Trước đó, tại kỳ điều hành ngày 3/1, Liên bộ Công Thương – Tài chính điều chỉnh giá bán lẻ xăng E5 RON92 tăng 332 đồng/lít, bán ra 21.352 đồng/lít; xăng RON95 tăng 347 đồng lít, bán ra 22.154 đồng/lít. Trong khi đó giá dầu diesel giữ nguyên giá mức 22.151 đồng/lít trong khi dầu hỏa tăng 601 đồng/lít, bán ra không cao hơn 22.767 đồng/lít; dầu mazut tăng 107 đồng/kg bán ra không cao hơn 13.740 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, nhà điều hành không thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng và dầu mazut, trong khi thực hiện trích lập đối với dầu diesel ở mức 605 đồng/lít (kỳ trước 800 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 200 đồng/lít (kỳ trước 500 đồng/lít).
Không thực hiện chi Quỹ quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa, thực hiện chi đối với mặt hàng xăng E5 RON92 ở mức 350 đồng/lít; xăng RON95 ở mức 400 đồng/lít; dầu mazut ở mức 100 đồng/kg.
Mới đây, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất phương án rút ngắn thời gian điều hành còn 7 ngày vào ngày thứ năm hàng tuần, không kể ngày nghỉ lễ, trừ trường hợp trùng vào ngày mùng 1, 2 và 3 tháng 1 Âm lịch của Tết Nguyên đán (sẽ được chuyển sang ngày mùng 4), thông tin trên Zing.
Bộ đánh giá phương án này đảm bảo giá xăng dầu trong nước biến động gần hơn với giá thế giới. Khi giá tăng sẽ được sự ủng hộ của các doanh nghiệp, tuy nhiên lại không phù hợp với thời gian nhập khẩu xăng dầu (10-15 ngày). Vì vậy, khi thị trường bất ổn với xu hướng bất lợi, kỳ điều hành quá ngắn sẽ ảnh hưởng tới kinh doanh.
Bên cạnh đó, về điều hành giá xăng dầu, cơ quan quản lý đề xuất phương án Nhà nước sẽ chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá còn giá bán lẻ do doanh nghiệp quyết định sau khi cộng chi phí kinh doanh thực tế với lý do cần đưa giá xăng dầu dần về sát với thị trường, giảm dần sự can thiệp Nhà nước.
Bên cạnh đó, phương án này sẽ đảm bảo các chi phí trong giá xăng dầu theo thực tế phát sinh của từng doanh nghiệp, hạn chế đầu cơ, găm hàng và khuyến khích các doanh nghiệp tạo nguồn cung ổn định cho thị trường.
Song, Bộ Công Thương nhìn nhận phương án này có nhược điểm là trên thị trường sẽ xuất hiện nhiều mức giá xăng dầu, khi người dân chưa quen sẽ có phản ứng với giá của các doanh nghiệp có chi phí cao. Đối với những địa bàn có nhiều doanh nghiệp cung cấp xăng dầu, quy định này sẽ không khuyến khích doanh nghiệp tiết giảm chi phí kinh doanh để giảm giá bán xăng dầu…
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết