Bằng các thủ đoạn dụ dỗ sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao”, hàng trăm thanh niên ở khắp các tỉnh thành đã bị lừa bán vào các cơ sở bóc lột sức lao động ở nước bạn.
Theo thông tin từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, cho đến nay, các cơ quan chức năng hai bên đã đưa về Việt Nam được khoảng 400 trường hợp, đồng thời hướng dẫn, can thiệp và hỗ trợ pháp lý cho khoảng 1.500 trường hợp gặp khó khăn trong xuất cảnh, đi lại, gia hạn cư trú,… ở nước bạn.
Thời gian qua, hàng loạt đối tượng cò mồi xuất hiện ở các vùng quê nghèo để tìm cách rủ rê, giới thiệu các thanh niên trẻ sang Campuchia lao động với mức thu nhập cao. Thế nhưng khi đặt chân đến nơi tưởng là “miền đất hứa”, những công dân này lại bị lừa bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, casino, game online, bị cưỡng bức lao động, thậm chí là hành hạ dã man.
Lời kể hãi hùng
Em L.H.Q C. (17 tuổi, ngụ phường Bình Đức, TP Long Xuyên, An Giang) là một trong những thanh niên trẻ bị lừa bán sang Campuchia từ tháng 3 và và may mắn được giải cứu về nhà hôm 30/6 vừa qua.
Kể lại với Tuổi Trẻ về những ngày tháng “địa ngục” ở Campuchia, C. vẫn chưa hết bàng hoàng. Em cho biết, khi qua nước bạn, C. bị bắt làm việc cho 1 sòng bạc online.
“Chúng em bị họ ép buộc lên mạng tìm và dụ dỗ khách hàng. Người quản lý giao chỉ tiêu cho chúng em phải tạo ra tổng doanh thu khoảng 1,5 tỉ đồng/tháng, trung bình mỗi ngày tổng tiền chơi vài chục triệu đồng. Nếu người chơi rút tiền ra không chơi nữa, chúng em được xem là không hoàn thành chỉ tiêu”, C. kể với báo trên.
2 tháng đầu tiên, C. may mắn hoàn thành chỉ tiêu nên được trả lương nhưng vô cùng “bèo bọt”, khác xa những lời hứa hẹn ban đầu.
Đến tháng thứ 3, C. không hoàn thành chỉ tiêu nên bị chủ đánh đập, bị bọn bảo vệ còng tay, chân rồi đưa lên giường chích điện vào giường đến mức ngất xỉu nên em buộc phải gọi điện về gia đình rồi bọn chúng bắt chuyển 160 triệu đồng tiền chuộc thì mới cho C. về. Sau đó C. may mắn được một nhóm người Việt “giải cứu” đưa về vào hôm 30/6.
Cũng là một nạn nhân của bọn buôn người sang Campuchia, anh P.Đ. (SN 1998, ở làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai) may mắn vừa được đưa về địa phương vào ngày 7/7 vừa qua.
Trong giọng nói xen lẫn sự hoảng sợ, anh P. Đ. thuật lại với PV Công luận về những ngày tháng làm thuê nơi xứ người đầy kinh hãi: “Mỗi ngày họ bắt mình cũng như các anh em trong làng làm việc từ sáng đến khuya, nhiều hôm làm cả đêm. Thấy không phù hợp với công việc nên mình có xin nghỉ về nhà nhưng họ không cho.
Vì không làm đủ chỉ tiêu nên họ xích mình lại rồi đánh đập, dí điện, bỏ đói nhiều ngày và dọa giết. Hầu như mấy anh em trong làng đều bị hành hạ thường xuyên như vậy. Sau đó, bọn họ bắt gọi điện về nói người nhà gửi tiền sang chuộc, ban đầu là 150 triệu đồng, về sau giảm dần xuống 100 triệu đồng và cuối cùng là 65 triệu đồng”.
Cùng ngụ lạng Kloong và cũng bị lừa bán sang Campuchia như anh Đ., anh K. G. (SN 1999) cũng bị hành hạ với các thủ đoạn giống như các nạn nhân khác là dùng gậy đánh đập, bị chích điện đến ngất đi, bị bỏ đói, sau đó ép buộc gọi về cho gia đình đòi tiền chuộc.
“Không chỉ bị đánh đập thừa sống thiếu chết, em còn bị bọn họ dọa bán ra biển nếu không gửi tiền sang chuộc về. Chỉ mong mọi người đừng như em tin vào những lời dụ dỗ ngon ngọt của người ta. Không có việc nhẹ, lương cao đâu, khổ lắm”, K. G. vẫn còn hoảng loạn khi nói với PV Công luận.
Nguy cơ bỏ mạng nơi đất khách
Không được may mắn trở về như 400 thanh niên khác, em T.V.H. (SN 2002, trú thôn Xuân Tiến, xã Quảng Long, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) đã tử nạn trên đất Campuchia.
Kể từ khi tin dữ ập tới, gia đình của em vẫn chưa thể vực dậy sau cú sốc. Ông Tr.V.Tr. (bố của H.) vừa khóc vừa kể với PV Công an nhân dân rằng con trai đang đi làm công nhân ở Bắc Ninh, Bắc Giang yên ổn thì bỗng nhiên được một người bạn giới thiệu sang Campuchia làm việc.
Trước ngày đi hồi đầu năm nay, H. chỉ gọi điện thông báo ngắn ngủi vài câu rồi mất liên lạc luôn từ đó. Ông Tr. không thể ngờ đó lại là cuộc nói chuyện cuối cùng của 2 bố con.
Bẵng đi một thời gian, đến tháng 5/2022, một người bạn của H. gọi điện về cho gia đình ông Tr. và nói muốn đưa H. về thì phải nộp tiền chuộc cho công ty bên Campuchia 76 triệu đồng.
Số tiền lớn như vậy còn chưa biết xoay xở ở đâu ra thì 20 ngày sau, ông Tr. nhận được tin sét đánh: con trai ông bị hành hạ đến tử vong ở nơi xứ người. Một thông báo khiến cả gia đình ngã quỵ, càng đau buồn hơn khi ông Tr. đã tìm mọi cách để dò hỏi tin tức về con nhưng bất thành.
“Ở bên đó, họ bảo vệ rất nghiêm ngặt, chỉ giao tiếp qua một ô cửa nhỏ, luôn có bảo vệ cầm súng đe dọa những người chống đối. Tôi chỉ mong có một phép màu là con vẫn còn sống và nếu con thực sự đã chết thì mong cơ quan chức năng giúp đỡ để đưa thi thể con về quê an táng”, ông Tr. nói với PV Người đưa tin.
Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia khuyến nghị mọi công dân đề cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ bản thân và gia đình mình. Theo đó, cảnh giác với các mối quan hệ qua mạng xã hội, hứa hẹn công việc có thu nhập cao, cá nhân hoạt động tuyển dụng trên mạng không có địa chỉ hoặc tư cách pháp nhân Việt Nam, tổ chức nhập cảnh sang Campuchia qua đường tiểu ngạch; từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là những người lạ, người không quen.
Hãy tuyên truyền, cảnh báo cho những người xung quanh về thủ đoạn của tội phạm buôn bán người; hiểu rõ hậu quả khi là nạn nhân của mua bán người. Trường hợp cần hỗ trợ hoặc cung cấp thông tin liên quan đến tội phạm buôn bán người tại Campuchia, đề nghị liên hệ với số điện thoại: +855-974056789 hoặc Tổng đài bảo hộ công dân: +84-981848484.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết