Sau những lời dụ dỗ, mời gọi hấp dẫn làm việc nhẹ, lương cao là những cái bẫy được giăng sẵn. Khi sập bẫy, nhiều lao động nhận ra mình chỉ là ‘con mồi’ của đường dây lừa đảo, buôn người.
Đã có hàng chục lao động người Việt cùng nhau chạy trốn khỏi Campuchia để theo cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) mong trở về nước. Đáng chú ý, hồi tháng 8/2022, hơn 40 người khác tháo chạy khỏi Casino, nhảy sông Bình Di (tỉnh An Giang) để nhập cảnh trái phép về Việt Nam, vụ việc gây rúng động dư luận.
Và đến đầu tháng 9/2022, Bộ Ngoại giao đưa ra con số, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã phối hợp với các cơ quan chức năng đưa hơn 600 công dân bị lừa, môi giới lao động bất hợp pháp về nước an toàn.
Thực tế, đã có hàng loạt đối tượng, nhiều đường dây môi giới, đưa người xuất – nhập cảnh trái phép bị cơ quan chức năng Việt Nam bắt giữ, khởi tố trong thời gian qua.
Vẫn chiêu trò môi giới việc làm, dụ dỗ người lao động có “việc nhẹ, lương cao” nhưng trước sự đấu tranh quyết liệt của cơ quan chức năng, những đường dây buôn bán người ở khu biên giới Việt Nam – Campuchia dần dần lộ diện.
Trả lời báo chí trong tháng 8/2022, Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang (nay là Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh) cho biết, quá trình điều tra mở rộng vụ việc 42 người Việt tháo chạy từ casino Campchia về Việt Nam, cơ quan công an bước đầu xác định được 4 đường dây mua bán người liên quan.
Trước đó, Bộ Công an đã cảnh báo tình trạng người dân bị lừa sang Campuchia lao động, làm “việc nhẹ, lương cao” nhưng thực chất là bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, nguy hiểm đến tính mạng…
Theo Bộ Công an, các nạn nhân bị lừa sang Campuchia làm việc chủ yếu trong độ tuổi từ 18-35, thông qua tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook…) hoặc từ bạn bè, người quen rủ rê, giới thiệu sang làm việc nhẹ, lương cao.
Sau khi qua Campuchia, nạn nhân bị tuyển vào làm việc tại các cơ sở tổ chức hoạt động lừa đảo như đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo… trên không gian mạng. Họ bị cưỡng ép lao động từ 12-16 tiếng/ngày, không cho ra khỏi cơ sở, bị bán sang các chủ sử dụng lao động khác hoặc bắt gọi điện về cho gia đình, người thân tại Việt Nam để nộp tiền chuộc mới cho về nước với số tiền từ 3.000-30.000 USD.
Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc, bị các đối tượng sử dụng lao động đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác nhau.
Đối tượng cầm đầu hoạt động cưỡng bức lao động và đòi tiền chuộc, cưỡng đoạt tài sản là một số người Trung Quốc, có sự tham gia, giúp sức của một số người Việt ở Campuchia.
Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia), cho biết, ông từng nhiều lần lên tiếng cảnh báo về việc người dân bị lôi kéo, dụ dỗ trên mạng xã hội.
Theo ông Hiếu, có rất nhiều hội nhóm trên mạng, đặc biệt trên Facebook và Telegram, thường quảng cáo những việc làm với mức lương cao ở Campuchia, Dubai và một số nước gần Việt Nam.
Ông Hiếu cho hay, khi vào những hội nhóm này, kẻ gian sẽ lừa sang Campuchia và bán cho các công ty chuyên lừa đảo trực tuyến. Chúng sẽ nhận được một khoản tiền khi kiếm được một người để bán. Nếu nạn nhân muốn được thoát an toàn để trở về nước, chỉ có tự trốn thoát, hoặc đóng tiền chuộc.
“Lòng tham, cộng với sự thiếu nhận thức khi tham gia những hoạt động trên mạng xã hội sẽ khiến nhiều người dễ dàng trở thành con mồi của những kẻ lừa đảo.
Vì thế, phụ huynh nên khuyên con tuyệt đối cảnh giác với người lạ và những hội nhóm dụ dỗ đi làm “việc nhẹ, lương cao trên mạng để tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy ra”, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu cảnh báo.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết