Catherine Đại đế của Nga có hàng nghìn tỷ USD, Mansa Musa của Mali sở hữu hàng “núi vàng”, còn Thành Cát Tư Hãn từng thành lập đế chế lớn nhất thế giới. Vậy ai sẽ là người đứng đầu bảng xếp hạng ‘giàu nhất hành tinh’?
Hiện nay, Elon Musk đang là người giàu có nhất hành tinh, Forbes ước tính tài sản của doanh nhân này vào khoảng 220 tỷ đô la Mỹ, tính cả các danh mục đầu tư như hãng xe điện Tesla, startup hàng không vũ trụ SpaceX hay dự án đào hầm The Boring Company.
Tuy có giá trị tài sản ròng đáng kinh ngạc, nhưng người đàn ông 51 tuổi này lại khó sánh ngang với những người giàu nhất từng tồn tại trong lịch sử. Cũng như vậy, Bill Gates hay Gautam Adani có thể sở hữu khối tài sản trị giá hàng tỷ USD, nhưng sự giàu có của họ lại phải lép vế trước những doanh nhân, hoàng đế hay những nhà cầm quyền của thời đại trước.
Tất nhiên, nói một cách công bằng, càng quay ngược thời gian, càng khó có thể đưa ra một con số chính xác nhất về độ giàu có một cá nhân, đặc biệt nếu chỉ dựa vào số tiền họ sở hữu. Sự giàu có của các nhà vương quyền thời xưa còn được định giá trên vàng, đất đai, muối hay quyền lực.
Do đó để khách quan hơn, tờ South China Morning Post đã tham chiếu theo hai tiêu chí là độ lạm phát và giá trị hàng hóa của năm 2022 để đưa ra danh sách những người giàu nhất từng sống trên Trái Đất.
9. John D. Rockefeller (1839-1937)
Giá trị tài sản ròng ước tính: 340 tỷ USD
Theo Celebrity Net Worth, John D. Rockefeller đã gây dựng được khối tài sản trị giá khoảng 340 tỷ đô la Mỹ, xét theo giá trị tài sản ngày nay.
Tờ History cho biết, ông trùm kinh doanh và nhà từ thiện người Mỹ này đã thành lập Công ty Standard Oil vào năm 1870. Công ty kiểm soát 90% các nhà máy lọc dầu và đường ống của Mỹ vào đầu những năm 1880.
Dù vướng phải nhiều tranh cãi vì kiểm soát ngành dầu lửa quá mức và độc quyền, Rockefeller cũng có nhiều đóng góp cho cộng đồng, cụ thể là quyên góp khoảng 500 triệu đô la Mỹ cho các hoạt động giáo dục, tôn giáo và khoa học thông qua Quỹ Rockefeller.
8. Andrew Carnegie (1835-1919)
Giá trị tài sản ròng ước tính: 340 tỷ USD
Trang Money.com thống kê rằng nhà tư bản Scotland này đã tích lũy được số tiền tương đương khoảng 372 tỷ đô la Mỹ nhờ dẫn đầu trong công cuộc mở rộng ngành công nghiệp thép tại Mỹ từ thế kỷ 19-20.
Năm 1901, ông bán công ty Carnegie Steel của mình cho JP Morgan với giá 480 triệu đô la Mỹ (theo đơn vị tiền tệ của ngày nay). Carnegie cũng quyên góp 90% thu nhập cho các hoạt động từ thiện trước khi qua đời vào năm 1919.
7. Catherine Đại đế (1729-1796)
Giá trị tài sản ròng ước tính: 1,5 nghìn tỷ USD
Sau khi lên ngôi vào năm 1762, nữ hoàng của đế quốc Nga thừa kế và kiểm soát nhiều diện tích đất đai, tài sản và thâu tóm quyền lực chính trị. Các khoản đầu tư của bà trị giá 5% GDP của Nga, tương đương 1,5 nghìn tỷ USD ngày nay, theo trang Luxuo.
6. Augustus Caesar (63TCN-14)
Giá trị tài sản ròng ước tính: 1,5 nghìn tỷ USD
Người thành lập đế chế La Mã Augustus Caesar là một trong những nhà cai trị vĩ đại và nổi tiếng nhất trong lịch sử.
Theo Luxuo, đế chế của Augustus Caesar đã đóng góp khoảng 25 đến 30% vào sản lượng kinh tế của thế giới, và khoảng 1/5 trong số đó là tài sản cá nhân của ông. Khối tài sản trị giá khoảng 4,6 nghìn tỷ đô la Mỹ ngày nay.
5. Võ Tắc Thiên (624-705)
Giá trị tài sản ròng ước tính: 16 nghìn tỷ USD
Nữ hoàng đế đầu tiên và duy nhất của Trung Quốc là một người thông minh, am hiểu chính trị- và nổi tiếng tàn nhẫn với kẻ thù. Bà đã trị vì đất nước khi nền kinh tế Trung Quốc chiếm khoảng 23% GDP toàn cầu, tương đương khoảng 16 nghìn tỷ USD ngày nay.
Bất chấp những biện pháp lạm quyền không được lòng dân, Võ Tắc Thiên vẫn củng cố và làm giàu bằng cách bán trà và tơ lụa trên Con Đường Tơ Lụa, đồng thời mở rộng và tăng quyền kiểm soát của Đế quốc Trung Hoa tại Trung Á. Một số người coi bà là người phụ nữ giàu có nhất từ trước tới nay.
4. Akbar Đại đế (1542-1605)
Giá trị tài sản ròng ước tính: 21 nghìn tỷ USD
Abu’l-Fath Jalal-ud-din Muhammad Akbar, hay Akbar Đại đế, là vị hoàng đế thứ ba trị vì đế chế Hồi giáo Mughal.
Nhờ khả năng thao túng và khai thác tài sản, của cải của dân chúng, ông đã thành công cai trị một đế chế trị giá 25% GDP toàn cầu. Sử gia kinh tế Angus Maddison cho biết, dù ngập chìm trong lối sống xa hoa, nhưng Akbar vẫn sở hữu một đế chế vượt qua cả sự giàu có của nước Anh thời kỳ đó, thậm chí vượt cả xã hội châu Âu.
3. Hoàng đế Tống Thần Tông (1048-1085)
Giá trị tài sản ròng ước tính: 30 nghìn tỷ USD
Vị hoàng đế thứ sáu của nhà Tống, Trung Quốc cai trị một đế chế có năng lực kinh tế hùng mạnh, với khối tài sản trị giá 25-30% GDP toàn cầu vào thời điểm đó, theo tờ Money.com. Các nhà sử học cho rằng vương quốc này đã đi trước các chính phủ châu Âu “vài năm ánh sáng” khi thực thi chính sách thu thuế rất hiệu quả. Những cải tiến công nghệ cũng như biện pháp quản trị tập trung của Tống Thần Tông cũng góp phần làm giàu đất nước.
2. Thành Cát Tư Hãn (1162-1227)
Giá trị tài sản ròng ước tính: 120 nghìn tỷ USD
Theo một báo cáo khoa học vào năm 2003, người ta tin rằng Thành Cát Tư Hãn có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ và đế chế Mông Cổ của ông lớn đến mức có thể tìm thấy DNA của Thành Cát Tư Hãn ở 16 triệu người vào ngày nay.
Đế chế phủ rộng hết Trung Quốc và Trung Á. Sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời, đế chế tiếp tục trải dài đến Ba Lan và Việt Nam. The Richest ước tính, nếu xét theo dòng tiền như hiện nay, ông sở hữu khối tài sản kếch xù – khoảng 120 nghìn tỷ đô la Mỹ.
1. Mansa Musa (1280-1337)
Giá trị tài sản ròng không thể đong đếm.
Đứng ở vị trí thứ nhất là một cái tên có thể không mấy quen thuộc: Mansa Musa. Ông là quốc vương cai trị đế chế Mali, vùng đất trù phú đất đai, muối và vàng. Các nhà sử học cho rằng đã có thời điểm đế chế Mali là nơi sản xuất vàng lớn nhất thế giới, đồng nghĩa với việc tổng tài sản Mansa Musa sở hữu rất khó đong đếm. Trang Celebrity Net Worth ước tính tài sản của ông tương đương khoảng 400 nghìn tỷ đô la Mỹ, nhưng các nhà sử học vẫn chưa thể đưa ra con số sát nhất.
Sở hữu nhiều tài sản, nên Mansa Musa cũng không chịu thua kém về độ “chịu chơi” với bất kỳ đế vương nào. Ông từng thực hiện một cuộc hành hương xa hoa bậc nhất đến Cairo cùng 60.000 người – từ các quan chức hoàng gia đến nô lệ. Dù chỉ ở lại khoảng 3 tháng, nhưng ông tiêu nhiều vàng ở Cairo đến mức làm xáo động nền kinh tế địa phương. Thậm chí trong suốt 10 năm tiếp theo, giá vàng tại Cairo vẫn bất ổn và mất kiểm soát.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết