Sống chung với mẹ vợ, tôi cảm thấy không thoải mái và áp lực về tiền bạc cứ thế dồn nén qua từng ngày.
Tôi và vợ yêu nhau từ thời sinh viên. Sau khi ra trường, cả hai đều có công việc ổn định. Mức lương chính của tôi được khoảng 15 triệu đồng và làm thêm ít việc vào buổi tối được thêm 10 triệu.
Khi thấy mọi thứ đã ổn, chúng tôi quyết định kết hôn. Tôi là trai tỉnh lẻ, vợ tôi là người Hà Nội, con một, bố mất sớm, nhà chỉ có hai mẹ con. Ban đầu, vợ muốn tôi ở rể nhưng tôi là tuýp người thích tự lập, không muốn mang tiếng nhờ cậy bên ngoại nên đã từ chối. Song, để cho vợ an tâm cũng như tiện chăm sóc cho mẹ vợ, chúng tôi đã thuê nhà ở gần nhà mẹ.
Vợ chồng làm hai công ty khác nhau nhưng đều giờ hành chính, bữa trưa ăn ở công ty, bữa sáng và tối ăn ở nhà. Chúng tôi thường cùng nấu nướng, cùng rửa bát hoặc tôi sẽ làm một mình. Có lẽ vợ ở thành phố nên không chăm chỉ lắm. Tôi có thể một mình nấu cơm, chứ mình vợ nấu thì chưa bao giờ.
Đi làm mấy năm, tích cóp và vay mượn, vợ chồng tôi mua được căn hộ chung cư. Vợ muốn mẹ để sống cùng ở đó. Khi ấy vợ có bầu, tôi thấy như thế rất tốt vì bà có thể giúp tôi chăm lo cho vợ nên đồng ý.
Chúng tôi phải vay mượn khá nhiều khi mua nhà, lo lắng cho tương lai con cái và kinh tế gia đình. Ngoài thời gian làm việc ở công ty tôi tiếp tục nhận thêm nhiều việc khác để làm ở nhà vào buổi tối.
Mẹ vợ chuyển đến sống cùng, tôi nghĩ sẽ có người lo chuyện cơm nước cho hai vợ chồng nên càng cảm thấy vui. Vậy mà bà gần như không làm gì cả. Cuối cùng, tôi vẫn là người lo cơm nước cho cả gia đình và làm việc nhà.
Tôi nghĩ rằng, tôi có thể đảm nhiệm được vai trò vừa làm chồng, vừa làm con rể ngoan, vừa làm bà nội trợ nếu như cuộc sống cứ bình yên và hạnh phúc.
Thế nhưng, với công việc hiện tại của tôi, mức lương chỉ có thể đủ sống chứ chưa gọi là dư dả. Chưa kể, thêm người là thêm tiền và tôi đâu còn thời gian để cày cuốc thêm nữa. Và cứ thế, thỉnh thoảng trong mỗi bữa cơm, mẹ vợ tôi lại bắt đầu ca thán rằng đàn ông phải có “chí tiến thủ”, rằng con rể nhà bác A, bác B giàu nhất trong họ…
Tôi bắt đầu cảm thấy áp lực và mệt mỏi. Có lúc tôi muốn nói với vợ, để em nói lại với mẹ, mong bà phụ giúp việc nhà để tôi có thêm thời gian làm việc nhưng lại ngại, chẳng biết mở lời như nào.
Khi vợ sinh, mẹ tôi ra ở cùng, mọi công việc gia đình chuyển từ tôi sang mẹ. Tôi thương mẹ bao nhiêu thì thấy mẹ vợ đáng trách bấy nhiêu.
Đặc biệt vào hôm đầy tháng con, vợ chồng tôi mời các bác bên nội bên ngoại đến chung vui. Trong bữa ăn, bà nói với mọi người có mấy cây vàng tích cóp, đưa cả cho vợ chồng tôi để mua nhà. Bà kể lể, những đứa bạn cùng trang lứa với con gái bà, đứa nào cũng lấy chồng vào nhà gốc gác thành phố, có nhà có xe, có của ăn của để, có người giúp việc lo cơm nước, chợ búa, không ai vất vả và khổ sở như con bà.
Tôi vừa xấu hổ, vừa tức giận nhưng vẫn phải cười nói với mọi người. Chẳng nhẽ, tôi lại cãi nhau với mẹ vợ trước mặt họ hàng đôi bên.
Đợi khi mọi người về hết, tôi mới hỏi vợ về chuyện mấy cây vàng của mẹ, vợ bảo có. Tôi trách em sao không nói gì. Em trách ngược lại tôi, tiền của mẹ chứ của ai, lấy của mẹ thì càng bớt nợ chứ làm sao mà sĩ diện.
Ừ, tại tôi hèn, tại tôi không có chí tiến thủ, tại tôi không giỏi như người ta nên làm vất vả bao nhiêu cũng không giàu. Nhưng tôi không muốn mang tiếng là dùng tiền của mẹ vợ.
Những ngày tháng sau đó, cuộc sống vẫn thế. Khi nào có mẹ đẻ tôi ở quê ra thì việc gia đình có người đỡ đần, tôi có được chút thời gian nghỉ ngơi. Còn không, tôi mệt mỏi cả tâm lý lẫn thể xác.
Có những ngày nghỉ, chủ nhật, tôi đưa con đi chơi. Gần trưa về nhà, thấy mẹ vợ ngồi xem tivi, vợ ôm điện thoại lướt mạng xã hội. Thấy tôi về, vợ và mẹ vợ mới đứng dậy dành giữ con, còn tôi sẽ vào bếp nấu cơm.
Có lần tôi thẳng thắn nói chuyện với vợ, em chỉ cười bảo mẹ sống cùng để vợ chồng chăm lo cho bà, không phải bà chăm lo cho vợ chồng tôi. Tôi gay gắt bảo vợ: “Lúc bà khỏe thì nhờ bà đỡ đần, lo toan cho con cháu, sau này ốm đau anh sẽ có trách nhiệm”.
Vợ trách ngược tôi, cho rằng chưa bao giờ yêu cầu tôi phải nhận việc về nhà làm thêm vào các buổi tối, đấy là tự tôi nhận việc về nên đừng có kêu than mệt mỏi. Bỗng nhiên mẹ vợ tôi từ đâu mở cửa vào phòng, chắc bà đã nghe được cuộc tranh luận của hai vợ chồng nên được đà tôn vinh sự “bất tài” của tôi và sự bất hạnh của mẹ. Còn tôi, tôi chỉ biết tự trách mình, giá như mình giàu thì chắc cuộc sống đã không như vậy.
Chưa hết, có hôm cuối tuần ở nhà, tôi nghe được mẹ vợ nói chuyện điện thoại với một người bạn. Bà than số khổ, ngày trẻ chồng mất sớm, một mình nuôi con, giờ con gái lớn lấy phải người chồng chẳng ra làm sao. Tôi nghe từng lời bà đay nghiến mà buồn lòng.
Có lẽ, tôi nên ly dị để mẹ vợ tôi tìm được một chàng rể giỏi việc nước, đảm việc nhà hơn chăng…
Lifehub tổng hợp