Trong quý I/2022, giá của phần lớn các phân khúc BĐS đều tăng, đặc biệt là đất nền tăng 3 – 5 lần so với thời gian trước. Thế nhưng số lượng giao dịch thực tế không nhiều. Các chuyên gia cảnh báo: NĐT cá nhân, nhất là NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính cần cân nhắc kỹ trước khi xuống tiền.
Giá đất bị đẩy quá cao
Theo khảo sát thị trường từ cuối năm 2021 đến nay, giá BĐS liên tục tăng, một số địa phương có tình trạng sốt đất ảo, giá chào bán được “thổi” lên chóng mặt. Chính điều này đã làm thị trường BĐS rơi vào thế người có nhu cầu mua thực không mua được, người bán thì nghe ngóng rồi đưa ra mức giá cao nên khó bán.
Anh Nguyễn Nghĩa Dũng (ở huyện Thường Tín, Hà Nội) đang có nhu cầu tìm kiếm một mảnh đất nền khoảng 50m2 ở khu vực quận Hoàng Mai để xây nhà. Anh chia sẻ, qua một thời gian tìm hiểu trực tiếp và qua cả môi giới, anh chỉ ra rằng mức giá đã tăng cao khác xa so với năm 2020, trong đó, giá đất nền tăng khoảng 30-50% tùy từng vị trí. Với dự định tài chính lúc đầu, hiện anh Đức tính phải vay mượn thêm ngân hàng mới đủ để mua, do vậy, anh đã quyết định dừng lại đợi xem giá đất có giảm.
Bên cạnh đó, chị Hoàng Mai Phương (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, chị đầu tư mua một mảnh đất nền 80m2 ở khu vực xã Hải Bối, Đông Anh đầu năm 2021 với mức giá 50 triệu đồng/m2. Đầu năm 2022, do có việc cần tiền gấp, chấp nhận chào bán bằng giá mua, nhờ qua cả môi giới bán giúp, có nhiều khách hàng đến xem, nhưng đến nay vẫn chưa gặp được người mua.
Tại báo cáo thị trường quý I/2022 của chuyên trang Batdongsan.com.vn vừa công bố, trong tháng 2, mức độ quan tâm BĐS tăng ở hầu hết các phân khúc, với mức tăng trung bình 23% so với tháng trước. Trong đó, TPHCM và Hà Nội có mức tăng lần lượt là 29% và 22%. Đặc biệt, trong quý I/2022, nhu cầu tìm kiếm nhà chung cư tăng cao ở cả TPHCM và Hà Nội, trong đó tập trung chính vào phân khúc chung cư bình dân, giá rẻ. Minh chứng là trong tháng 2, lượt tìm kiếm nhà chung cư bình dân tại 2 thành phố lớn nhất cả nước tăng 36% so với tháng 1, bỏ xa lượt quan tâm của loại hình đất nền và nhà mặt đất.
Trao đổi với PV, chuyên gia BĐS Nguyễn Thế Điệp dự báo, do lo ngại về trượt giá và lạm phát khi tiền được bơm ra thị trường qua các gói kích thích kinh tế và giải ngân đầu tư công, nhu cầu tích lũy tài sản gắn liền với đất làm kênh trú ẩn an toàn sẽ tăng lên trong năm nay, vì thế phân khúc đất nền sẽ tiếp tục được quan tâm nhiều, kèm theo đó giá sẽ tăng theo.
Nhiều hệ lụy cho thị trường
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam – cho biết, thực tế giao dịch thấp, hạn chế bởi giá bị đẩy quá cao, giá không phản ánh đúng giá trị thực. Các NĐT, người mua cũng tính được giá trị ở mức độ nào hợp lý. Vì vậy, người có nhu cầu thực sẽ không mua những sản phẩm bị thổi giá quá cao, dẫn đến tình trạng hấp thụ kém.
Theo ông Đính, quả thực nguồn cung đang rất khan hiếm, nắm được tình hình này nhiều môi giới, đầu cơ cứ liên tục đẩy giá lên, nhưng nhiều chỗ đẩy giá quá cao sẽ không có người mua. Những người có nhu cầu ở thực đều tìm kiếm những khu giá cả hợp lý, chủ đầu tư uy tín. Do đó, những dự án đáp ứng được tiêu chí về mức giá, pháp lý thì vẫn sẽ có thanh khoản tốt.
Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Nam Hà Nội nhận định, giá BĐS tăng nhanh, bị thổi ở mức “chóng mặt” sẽ gây nhiều hệ lụy cho thị trường, điều này làm méo mó thị trường, đem lại sự thiếu ổn định, bền vững. Sốt đất chỉ trong thời gian ngắn, nhưng hậu quả để lại rất lớn, đẩy mặt bằng giá lên mức cao, những người lao vào kẹt dòng tiền, trong khi nhà ở cho người ở thực lại quá xa vời.
Lifehub tổng hợp