Trẻ nhỏ rất hiếu động, thường tò mò và không kiểm soát được hành động của bản thân do đó dễ dẫn đến bị dị vật ở mũi, có thể là các đồ chơi nhỏ, khuy áo, hạt đậu, dây thun,…
Vừa qua, các bác sĩ khoa Liên Chuyên khoa (Tai Mũi Họng – Răng Hàm Mặt), Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An đã tiếp nhận và điều trị thành công cho bé gái (33 tháng tuổi, TP HCM) mắc phải dị vật bằng kim loại.
Bác sĩ Võ Bá Thạch, Trưởng khoa Liên Chuyên Khoa Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An, cho biết trước khi nhập viện 3 ngày, bé gái chảy mũi một bên, nghĩ là bé viêm mũi nên gia đình ra nhà thuốc tây mua thuốc cho bé uống nhưng vẫn không thuyên giảm. Gia đình nhận thấy tình trạng của bé mỗi lúc một nặng, chảy mũi nhiều hơn kèm dịch mũi hôi có màu đục như sô-cool-la, người nhà đã lập tức đưa bé đến khám tại bệnh viện.
Sau khi thăm khám phát hiện cánh mũi phải của bé có 1 khối tròn, trơn láng, ánh kim, nghi ngờ đây là pin đồ chơi. Bác sĩ Thạch cùng ê-kíp đã tiến hành nội soi và cẩn thận lấy dị vật ra là một viên pin, đồng thời hốc mũi phải cũng bị loét, đọng nhiều vảy. Sau gắp dị vật bé được tiếp tục điều trị nội khoa để cải thiện tình trạng viêm nhiễm trong mũi.
Theo bác sĩ Thạch, trường hợp này dị vật là kim loại nên xảy ra các phản ứng hóa học tại chỗ gây tổn thương nguy hiểm đến mũi làm loét và hoại tử cuốn mũi, vách ngăn. Bác sĩ Thạch khuyến cáo nếu trẻ bị dị vật trong mũi, phụ huynh nên thăm hỏi nhẹ nhàng, không quát mắng hay cố lấy dị vật bằng tay, vật nhọn. Nếu dị vật nhỏ và nằm ở ngoài, hãy bịt bên mũi không có dị vật và hướng dẫn trẻ xì mũi mạnh. Xì mạnh sẽ giúp dị vật nhỏ bị đẩy ra ngoài tuy nhiên cách làm này cũng không khuyến khích làm tại nhà vì nếu trẻ làm ngược lại là hít mạnh vào thì dị vật sẽ càng đi vào sâu hơn thậm chí vào khí phế quản.
Do đó, khi nghi ngờ trẻ mắc dị vật tốt nhất cần đến bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng càng sớm càng tốt. Nhất là khi dị vật gây chảy máu mũi, đau, chảy nhiều dịch mũi hoặc thậm chí là mủ viêm do dị vật ở trong mũi trong thời gian dài. Cần báo cho bác sĩ đầy đủ các triệu chứng, thông tin về loại dị vật để bác sĩ chẩn đoán nhanh chóng và xử lý tốt hơn.
“Nếu cha mẹ xử trí dị vật trong mũi của trẻ không đúng cách, dị vật có thể trôi xuống sâu hơn gây tổn thương các bộ phận trong mũi, nguy hiểm hơn là gây bít tắc đường thở” – bác sĩ Thạch nhấn mạnh.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết