Bé Đ.H. (sinh năm 2009) nhập viện trong tình trạng đi tiểu ra máu, vết thương sưng và bầm tím vì bị rắn cắn.
Thông tin từ người nhà cho biết, bé H. gặp nạn vào khoảng 20h ngày 23/8 khi đang đi bắt cua tại con suối gần nhà thì bị rắn cắn vào gót chân phải. Con rắn đã được người nhà bé H. bắt lại và tiêu hủy ngay sau đó. Về phần H., bé được đắp lá cây (không rõ tên) lên vết thương.
Sau hơn một ngày điều trị tại nhà, gia đình thấy H. không ổn nên đã chuyển H. lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM cấp cứu. BSCK2 Vũ Hiệp Phát, Trưởng khoa Cấp cứu bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết, bé đang được thay huyết thanh kháng nọc rắn và điều trị tích cực vị trí nhiễm trùng.
Trước nhiều trường hợp trẻ nhập viện muộn, gây nguy hiểm tính mạng vì người thân tự ý đắp các loại lá lên vị trí rắn cắn, bác sĩ Vũ Hiệp Phát khuyến cáo phụ huynh tuyệt đối không nên dùng các loại lá đặt lên vết thương vì điều này có thể dễ dẫn đến nhiễm trùng.
“Phụ huynh hãy đưa bé vào cơ sở y tế để kịp thời truyền thuốc kháng nọc rắn”, bác sĩ nói.
Bệnh viện lưu ý phụ huynh khi phát hiện con bị rắn cắn, không nên:
Cột ga-rô: sẽ gây thiếu máu nuôi phía chi bên dưới.
Cắt lể, nặn máu hay hút nọc độc: sẽ gây nhiễm trùng, chảy máu tại chỗ và tăng hấp thu nọc độc.
Đắp lá hay rễ cây có thể gây nhiễm trùng vết thương.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết