Ngày 12/11, lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết bệnh nhi 15 tuổi nhập viện vì nhiễm vi khuẩn gây bệnh Whitmore đã tử vong sau vài ngày điều trị.
Bệnh nhi tử vong đêm 11/11, trong tình trạng suy đa tạng, hoại tử ruột. Trước đó các bác sĩ đã phẫu thuật nhưng tình trạng của trẻ quá nặng nên không qua khỏi. Bệnh nhi là 1 trong 2 ca bệnh được phát hiện nhiễm vi khuẩn này tại tỉnh Thanh Hóa.
Theo thông tin từ Sở Y tế Thanh Hóa, 2 ca bệnh mới phát hiện gồm: bệnh nhân T. M. N. (SN 2007), ở xã Mai Lâm, thị xã Nghi Sơn. Trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương vào ngày thứ 12 sau khi khởi phát trong tình trạng nặng; phổi tổn thương, suy hô hấp, vẫn còn ban sẩn xuất huyết ở 2 bàn tay, trẻ tiếp tục được thở máy, duy trì vận mạch, sử dụng IVIG, tiến hành lọc máu, xét nghiệm tìm căn nguyên. Mẫu cấy máu ngay từ khi vào viện đã phát hiện ra trực khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei vào ngày 3/11/2022. Các bác sĩ đã chẩn đoán trẻ bị shock nhiễm khuẩn/suy đa tạng/Whitmore.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân L. N. Q. (SN 2012), tại xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống. Tiền sử bệnh, trẻ khỏe mạnh; gia đình có 4 người và xung quanh gia đình chưa phát hiện được ai có biểu hiện bệnh giống như trẻ. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ được chích rạch khối áp xe, cấy dịch mủ từ khối áp xe và điều trị ngoại trú. Kết quả cấy dịch mủ ngày 1/11/2022 tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã phát hiện ra trực khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei. Chẩn đoán áp xe phần mềm vùng trước tai phải/Whitmore. Theo đại diện bệnh viện, đến thời điểm này, các tổn thương khu trú của bệnh nhi có khả năng kiểm soát dễ hơn.
Trước đó Bộ Y tế thông tin phát hiện 3 người ở Đắk Lắk và Thanh Hoá mắc khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây hội chứng Whitmore. Sở Y tế Đắk Lắk cho biết người phụ nữ 40 tuổi đau bụng từ hồi giữa tháng 10, phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị áp xe lá lách. Nửa tháng sau tái phát đau bụng, bệnh nhân trở lại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh Whitmore trên nền đái tháo đường type 2.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng đa dạng. Bệnh nhân sốt, với các kiểu như sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài; suy hô hấp; loét da; viêm đường tiết niệu; viêm phổi; áp xe ở gan; lách; nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng… Không chỉ dễ bị chẩn đoán nhầm, Whitmore còn khó điều trị, nhiều người bệnh bỏ cuộc.
Đây là bệnh ít gặp, không gây thành dịch, không lây truyền từ người sang người, thường tiến triển nặng, có tỉ lệ tử vong cao (40%), đặc biệt ở người có bệnh nền. Người sức đề kháng kém như bệnh nhiễm trùng mạn tính, dùng thuốc corticoid kéo dài, tiểu đường, thận, người nghiện rượu,… nếu bị vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei xâm nhập máu sẽ gây nhiễm khuẩn huyết nặng.
Vi khuẩn theo dòng máu đến khắp các cơ quan, nhất là gan, lách, phổi, dẫn đến các ổ áp xe từ nhỏ đến lớn hoặc có thể liên kết với nhau. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh diễn tiến trầm trọng, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, có thể tử vong.
Hiện chưa có vắc xin, các biện pháp phòng bệnh chủ yếu gồm vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, trong đó hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại nơi ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông nơi bị ô nhiễm. Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) với người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất, bùn và nước bẩn…
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết