Có lẽ bạn có xu hướng chịu trách nhiệm cho những vấn đề của người khác do quá đồng cảm, hoặc vì bạn khó từ chối, hoặc do bạn thích giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, cũng có thể có điều gì khác đằng sau điều này.
Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao bạn phải chịu trách nhiệm về những vấn đề của người khác chưa? Nếu bạn cảm thấy mình quá quan tâm đến những gì xảy ra với người khác nhưng lại quá ít lo lắng cho bản thân, có thể bạn đang mắc phải chứng Savior complex (hội chứng tâm lý muốn làm người hùng, người cứu rỗi).
Tại sao bạn lại có xu hướng chịu trách nhiệm cho vấn đề của người khác?
Có lẽ bạn có xu hướng chịu trách nhiệm cho những vấn đề của người khác do quá đồng cảm, hoặc vì bạn khó từ chối, hoặc do bạn thích giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, cũng có thể có điều gì khác đằng sau điều này.
1. Savior complex và sự thiếu tin tưởng vào người khác
Savior Complex là một từ được dùng để chỉ những người có xu hướng luôn cảm thấy phải chịu trách nhiệm cho những vấn đề của người khác. Họ đặt mình vào vị trí của người cha hoặc người mẹ với những người xung quanh, cho dù đó là đồng nghiệp, người yêu, bạn bè hay bạn đời.
Tuy nhiên, thái độ này thường che giấu đi sự thiếu tin tưởng vào khả năng của người khác về việc đảm nhận và giải quyết những vấn đề của chính họ. Những người mắc chứng này thường là kiểu người cho rằng chỉ họ mới có khả năng, nguồn lực, công cụ để giải quyết vấn đề của người khác.
Đôi khi, những người mắc chứng này có thể đã từng có những chấn thương thời thơ ấu. Chẳng hạn như cha mẹ của họ đã không chịu trách nhiệm với họ trong thời thơ ấu, hoặc họ phải chịu trách nhiệm cho cha mẹ của mình từ khi còn nhỏ.
2. Tuổi thơ thiếu sự an toàn
Kiểu gắn bó được hình thành trong thời thơ ấu cũng ảnh hưởng đến sự xuất hiện của hội chứng này. Nếu bạn đã phát triển một sự gắn bó thiếu an toàn với những người thân nhất khi còn nhỏ, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cách bạn liên hệ với những người khác khi trưởng thành. Và cuối cùng, điều đó có thể hình thành và phát triển thành việc chịu trách nhiệm cho vấn đề của người khác.
Nếu đúng như vậy, bạn có thể cảm thấy rằng vì cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng đã không ở bên cạnh bạn khi bạn cần, nên giờ đây bạn phải bù đắp và quan tâm đến những người khác. Tất nhiên, đây là một cảm giác vô thức.
3. Bị lệ thuộc
Cách bạn gắn kết với người khác khi trưởng thành nói lên rất nhiều điều về cách bạn xây dựng sự gắn bó với cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng khi còn nhỏ. Điều này liên quan đến việc cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng có đáp ứng nhu cầu thể chất và tình cảm của bạn khi còn nhỏ hay không.
Kiểu gắn bó không an toàn được tạo ra khi cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng không đáp ứng nhu cầu của bạn khi còn nhỏ. Và điều này có thể khiến bạn xây dựng mối quan hệ phụ thuộc với người khác. Trong đó, “nhu cầu chịu trách nhiệm về các vấn đề của người khác” cũng được tạo ra. Như thể bạn cần ai đó cần mình để cảm thấy mãn nguyện và hài lòng. Trên thực tế, bạn cảm thấy rằng nếu mình chịu trách nhiệm về vấn đề của người khác, thì những người đó cuối cùng sẽ trở nên phụ thuộc vào bạn vì bạn luôn giải quyết vấn đề cho họ.
4. Không biết đặt giới hạn
Việc thiếu quyết đoán cũng có thể giải thích cho việc chịu trách nhiệm quá mức về các vấn đề của người khác. Thật vậy, những người không biết cách từ chối, không biết đặt ra ranh giới cho bản thân và bị người khác lợi dụng cuối cùng sẽ coi vấn đề của người khác là vấn đề của mình.
5. Một cách để trốn tránh những vấn đề của chính mình
Có một lý do khác cho những người có xu hướng chịu trách nhiệm cho những vấn đề của người khác, đó là họ không biết cách giải quyết vấn đề của chính mình. Những người này dành nhiều thời gian cho người khác hơn, và vì thế mà thời gian dành cho bản thân và cuộc sống của chính họ bị giảm đi đáng kể.
Do đó, chịu trách nhiệm cho vấn đề của người khác, một cách có ý thức hoặc vô thức, là để không phải đối mặt với vấn đề của chính mình.
Làm thế nào để ngừng chịu trách nhiệm cho các vấn đề của người khác?
Lo lắng cho người khác và cố gắng giúp đỡ người khác là một chuyện. Trở nên quá trách nhiệm đối với các vấn đề của người khác đến mức khiến bạn bị quá tải lại là chuyện khác.
Nếu bạn nhận ra rằng bạn đang chịu trách nhiệm về những vấn đề của người khác, điều đó khiến bạn cảm thấy không thoải mái và bạn muốn bắt đầu thay đổi, thì tin tốt là bạn đã bắt đầu bằng cách nhận ra sự thật. Khi bạn đã xác định được loại hành vi này, đây là những việc tiếp theo bạn cần làm:
– Suy ngẫm về nguyên nhân của hành động. Tại sao bạn lại làm điều đó? Giải thích được nguyên nhân có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về tình huống của mình.
– Xác định những yếu tố khiến bạn có hành vi như vậy. Đó có phải là sự phụ thuộc về cảm xúc, lòng tự trọng thấp hay nhu cầu được cảm thấy hữu ích?
– Viết ra các vấn đề của bạn vào một cột. Cột bên cạnh hãy viết ra những vấn đề của người khác xung quanh bạn. Bắt đầu phân biệt vấn đề của bản thân và vấn đề của người khác.
– Hãy rèn luyện sự quyết đoán của bạn để học cách thiết lập ranh giới và bắt đầu nói không.
– Củng cố lòng tự trọng của bạn thông qua các hành động chỉ phụ thuộc vào bạn và chỉ liên quan đến bạn.
– Bắt đầu với những thay đổi nhỏ, như từ bỏ trách nhiệm đối với người khác, từ bỏ quyền kiểm soát và xem bạn cảm thấy thế nào.
– Yêu cầu sự giúp đỡ, tư vấn tâm lý nếu bạn cảm thấy cần.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết