Cá là thực phẩm bổ dưỡng, tốt cho sức khoẻ con người. Dù thế, khi sơ chế để cá không tanh và ngon, các bà nội trợ cần loại bỏ 2 bộ phận sau.
Theo PGS- TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa HN), ruột và mật cá là hai bộ phận có thể gây hại cho sức khỏe người thưởng thức. Vì vậy, chị em nội trợ cần phải biết cách sơ chế, thậm chí loại bỏ trong quá trình làm thịt cá.
Mật cá
TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay, con người không nên ăn mật động vật nói chung và cá nói riêng. Bởi mật cá cực kỳ độc, điển hình như mật cá trắm vô cùng độc. Có những người nuốt mật cá có thể tử vong ngay.
Mật cá, là nơi cung cấp các men, enzim, đồng thời cũng chứa rất nhiều độc tố. Khi ăn mật cá con người có thể bị trúng độc, sốc nhiễm khuẩn, chảy máu cấp, thậm chí tử vong. Vì thế, hãy loại bỏ ngay bộ phận này từ khi sơ chế cá.
Ruột cá
TS Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ, việc người ta cảnh báo hạn chế ăn ruột cá là hoàn toàn chính xác. Bởi lẽ, ruột cá là bộ phận bẩn nhất, bởi cá sống dưới nước rất dễ bị nhiễm các loại độc tố khác nhau, nhiễm những loại vi sinh vật sống dưới nước.
Chưa kể, cá là loài ăn rất nhiều tạp chất, những thức ăn này sẽ đi qua miệng và nằm lại trong ruột cá. Ngoài ra, ruột cá rất có khả năng nhiễm ký sinh trùng, trứng sán, trứng giun và giun xoắn.
Mẹo chọn cá ngon
Chọn cá có mang đỏ tươi, sờ mình cứng. Cá đã ươn thì mang cá sẽ chuyển sang màu gạch cũ. Nếu cá đã được cắt thành khoanh, lấy ngón tay ấn vào thớ thịt thấy cứng và dinh dính là cá tươi; ngược lại cá mềm nhũn, chảy nước là đã ươn.
Cá tươi ngon sẽ có mắt sáng và trong, vảy hoặc da sáng bóng lấp lánh như kim loại và sạch sẽ. Cá ươn, mắt chuyển sang màu xám, vảy hoặc da chuyển sang màu đục hoặc có những mảng bị biến đổi màu.
Ngoài ra, cá tươi có mùi như nước sạch hoặc cảm giác hơi mặn. Không chọn những con cá có mùi khó chịu, quá tanh.
Những trường hợp không nên ăn cá
Không ăn khi đang dùng thuốc ho: Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, người bị ho lâu ngày và phải dùng thuốc để điều trị không nên ăn cá, đặc biệt là cá biển để tránh bị dị ứng với biểu hiện nổi mẩn đỏ trên da, sung huyết giác mạc, chóng mặt, tim đập nhanh…
Hạn chế ăn khi bị bệnh gout: Trong cá chứa purine, khi vào cơ thể nó sẽ chuyển hóa thành axit uric. Trong khi đó, axit uric quá cao trong huyết tương là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh gout. Do vậy, người đã mắc bệnh này nên ăn ít hoặc không ăn cá để tránh làm tình trạng bệnh bị ác hóa, nguy hại cho sức khỏe.
Người có cơ địa dị ứng: Có nhiều người bị dị ứng với hải sản, chủ yếu là vì chúng là món ăn chứa nhiều protein, đây là một phản ứng dị ứng gây ra bởi loại protein đặc biệt này. Những người đã từng bị dị ứng với cá và tôm nếu ở mức độ nặng thì nên cố gắng không ăn các loại cá đó trong tương lai, nếu không chúng sẽ tiếp tục gây dị ứng.
Bệnh nhân lao: Người mắc bệnh lao nếu ăn nhiều cá cùng lúc dễ bị dị ứng, nhẹ thì buồn nôn, đau đầu, da nổi mẩn, xung huyết, nặng thì tim đập nhanh, sưng môi và mặt, phát ban, tiêu chảy, đau bụng, khó thở, huyết áp tăng đột ngột, thậm chí là xuất huyết não.
Người mắc bệnh rối loạn chức năng máu: Những người mắc các bệnh rối loạn chức năng máu và có tính chất xuất huyết như: như suy giảm tiểu cầu, thường xuyên bị chảy máu mũi, xuất huyết trong do thiếu vitamin K… nên ăn ít hoặc không nên ăn cá. Bởi trong cá chứa axit eicosapentaenoic (EPA) ức chế quá trình kết tập của tiểu cầu, từ đó làm tăng hiện tượng chảy máu ở người bệnh.
Bệnh nhân xơ gan: Lúc này, nếu ăn quá nhiều các loại cá biển sâu như: trích, cá ngừ, cá mòi… sẽ khiến tình trạng bệnh xấu đi và có chiều hướng trầm trọng hơn. Bởi vậy, người xơ gan hãy hạn chế ăn cá để đảm bảo sức khoẻ.
Lifehub tổng hợp