Từ mùng 1 Tết Nguyên đán 2023, nhiều người trẻ đã đăng tải lên trang cá nhân, bình luận trên các hội nhóm thông báo “bắt đầu nhận lì xì Tết”. Kèm theo đó là số tài khoản, ví điện tử để tiện cho việc nhận quà. Ngỡ tưởng chỉ là trò đùa vui trên mạng xã hội, nhưng thực tế việc này cũng đi kèm một số rủi ro nhất định.
Rủi ro từ việc khoe số tài khoản lên mạng để nhận lì xì
Đầu tiên, cần khẳng định rằng việc cho người khác biết số tài khoản ngân hàng là điều hiển nhiên. Bạn hoàn toàn không cần phải sợ việc bị kẻ gian trộm tiền khi chỉ có thông tin tài khoản ngân hàng.
Ví dụ, bạn là nhân viên của một doanh nghiệp, khi vào làm thì bạn cần cung cấp thông tin số tài khoản của ngân hàng bạn đang sử dụng cho bộ phận kế toán. Việc này nhằm để kế toán chuyển lương, hoa hồng cho bạn vào kỳ tính lương hàng tháng.
Hay những cửa hàng, người kinh doanh online cũng thường công khai tên chủ sở hữu cùng số tài khoản ngân hàng ngay trên website, fanpage. Hành động này nhằm giúp khách hàng có thể chuyển khoản thuận tiện hơn, đa dạng phương thức thanh toán.
Tuy nhiên, lưu ý rằng kẻ xấu có thể lợi dụng sự chủ quan của bạn để lừa gạt thông qua số tài khoản biết được. Nhiều trường hợp bị lừa đảo bằng thủ thuật chuyển khoản nhầm đến tài khoản của nạn nhân.
Theo đó, kẻ xấu chuyển một khoản tiền đến tài khoản ngân hàng của bạn rồi liên hệ để xin lại số tiền đó vì chuyển nhầm. Thế nhưng, số tài khoản họ gửi cho bạn lại không phải số chính chủ. Khi bạn đã chuyển tiền rồi, họ sẽ liên hệ lại để xin chuyển số tiền đó tiếp tục với lý do tương tự.
Hay như trường hợp lừa gạt “chuyển nhầm” được cảnh báo thời gian qua. Cũng với thủ đoạn cố ý chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người nào đó, sau khi bên kia nhận được tiền, đối tượng sẽ giả danh là người thu hồi nợ của một công ty tài chính để liên hệ, dọa nạt và yêu cầu họ trả lại số tiền đã nhận như một khoản vay cùng với số lãi cắt cổ.
Một trường hợp khác, đối tượng lừa đảo chuyển tiền cho người bị hại, sau đó liên hệ giới thiệu mình đang sống tại nước ngoài và muốn được nhận lại số tiền đã chuyển khoản nhầm.
Để trả lại số tiền, người nhận tiền chuyển nhầm phải sử dụng dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua một đường link. Không ngờ, sau khi điền xong thông tin, số tiền trong tài khoản của người nhận đã bị rút sạch.
Qua một số ví dụ kể trên, có thể thấy, kịch bản lừa đảo chuyển tiền nhầm tài khoản ngân hàng vô cùng khó đoán. Đồng thời, đánh thẳng vào lòng tốt của nạn nhân là những người nhẹ dạ, cả tin, khiến họ rất dễ mắc bẫy.
Nhận tiền chuyển khoản nhầm, phải làm gì để không dính bẫy lừa đảo?
Khi nhận được tiền chuyển khoản nhầm, người nhận cần lưu ý không sử dụng số tiền ấy vào việc chi tiêu cá nhân và chỉ làm việc với ngân hàng để trả lại tiền cho người chuyển nhầm, tuyệt đối không chuyển lại tiền cho người lạ khi không có bên thứ ba làm chứng.
Trường hợp khoản tiền chuyển nhầm có giá trị nhỏ thì chủ tài khoản có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp sao kê rồi đối chiếu với những thông tin nhận được và tiến hành chuyển lại.
Còn đối với số tiền lớn, chủ tài khoản nên sắp xếp thời gian đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng để thực hiện việc xác minh hay thậm chí là liên hệ với cơ quan công an để giải quyết.
Lưu ý, tuyệt đối không cung cấp thông tin bảo mật như: Mật khẩu truy cập tài khoản, Mật khẩu giao dịch một lần (OTP) cho bất cứ ai (kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng) và dưới bất cứ hình thức nào và cảnh giác với các yêu cầu truy cập đường link website, đăng nhập, cung cấp thông tin tài khoản, thông tin cá nhân.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết