Cuộc chiến ở Ukraine khiến mối quan hệ vốn căng thẳng giữa Nga và NATO bị đẩy lên cao hơn.
Trong cuộc họp báo ở thủ đô Ashgabat của Turkmenistan vào ngày 29/6, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh những mục tiêu của Nga ở Ukraine vẫn không thay đổi.
“Không có gì thay đổi. Mục tiêu cuối cùng là giải phóng Donbass, bảo vệ người dân, và tạo điều kiện đảm bảo an toàn cho Nga. Đó là tất cả”, RT dẫn lời ông Putin.
Theo ông Putin, dù các mục tiêu vẫn được giữ nguyên, nhưng chiến thuật để thực hiện những mục tiêu này có thể thay đổi theo cách quân đội Nga thấy phù hợp. Nhà lãnh đạo Nga cũng nhấn mạnh, “mọi thứ vẫn đang theo kế hoạch”.
“Tôi sẽ không nói về hạn chót. Tôi không bao giờ làm như thế, bởi đó là cuộc sống, chuyện này là sự thật. Áp đặt hạn chót là sai lầm, bởi nó liên qua tới sự cường độ chiến đấu, và cường độ này liên quan trực tiếp tới thương vong tiềm tàng.
Chúng tôi phải cân nhắc đầu tiên và trên hết bảo toàn tính mạng cho binh sĩ”, ông Putin khẳng định.
Những chia sẻ trên được Tổng thống Putin đưa ra trong chuyến thăm tới thủ đô Turkmenistan. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Putin kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2.
Bình luận về tuyên bố của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg về việc liên minh quân sự đã đẩy mạnh chi tiêu quân sự và tăng cường số lượng binh sĩ triển khai ở Đông Âu kể từ năm 2014 là để sẵn sàng chuẩn bị cho cuộc xung đột tiềm tàng với Nga, ông Putin nhận định chuyện này “không có gì mới” đối với Moscow.
Cũng theo ông Putin, lâu nay Mỹ tìm kiếm một đối thủ bên ngoài để tập hợp sức mạnh của các đồng minh và Nga là lựa chọn phù hợp hơn cả Iran.
“Chuyện này một lần nữa xác nhận điều chúng tôi nói lâu nay, NATO là tàn dư của Chiến tranh Lạnh. Chúng tôi luôn được bảo rằng NATO đã thay đổi và hiện là liên minh chính trị, nhưng mọi người vẫn đang tìm cơ hội và lời bào chữa để cho NATO động lực mới trở thành một tổ chức quân sự đích thực”, ông Putin nói thêm.
Liên quan tới chuyện Phần Lan và Thụy Điển muốn gia nhập NATO, Tổng thống Putin cho biết, “Chúng tôi không có vấn đề gì với Thụy Điển và Phần Lan như với Ukraine. Chúng tôi không có tranh chấp lãnh thổ, chúng tôi không có gì phải lo lắng về tư cách thành viên NATO của Thụy Điển và Phần Lan.
Nếu họ muốn, cứ để họ làm. Nhưng nếu lực lượng và cơ sở hạ tầng quân sự được triển khai ở đó, chúng tôi có nghĩa vụ phải phản ứng tương xứng và đưa ra các mối đe dọa tương tự với những vùng lãnh thổ gây nguy hiểm cho chúng tôi”, ông Putin nhấn mạnh.
Ông Putin khẳng định vào thời điểm hiện tại, Moscow không phát hiện bất cứ mối đe dọa tiềm tàng nào từ Stockholm và Helsinki giống như Kiev cách đây vài năm.
“Đối với chúng tôi, Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO hoàn toàn khác với chuyện Ukraine vào NATO”, ông Putin chia sẻ.
Trước đó, vào ngày 15/5, Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức thông báo ý định gia nhập NATO sau khi xem xét tình hình chiến sự của Nga ở Ukraine. Nhưng để được kết nạp vào NATO, Phần Lan và Thụy Điển cần có sự đồng thuận của tất cả thành viên trong khối quân sự. Song Thổ Nhĩ Kỳ lại không đồng ý, bởi Ankara cho rằng Helsinki và Stockholm “không có quan điểm rõ ràng” đối với Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và Mặt trận Giải phóng Nhân dân Cách mạng ((DHKP/C), hai tổ chức bị Ankara liệt vào danh sách khủng bố.
NATO đẩy mạnh năng lực quân sự
Theo số liệu được NATO công bố, các quốc gia thành viên châu Âu và Canada đã tăng chi tiêu quân sự từ 1,2 – 5,9% mỗi năm kể từ năm 2014. Tuy nhiên, mới chỉ có 10 nước trong tổng số 30 quốc gia thành viên NATO đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng chiếm 2% GDP.
Mức tăng chi tiêu quân sự gia tăng lớn ở Đông Âu và các nước Baltic với Ba Lan, Lithuania, Estonia, Latvia, Cộng hòa Séc, Slovakia và Romania lần đầu tiên đạt mục tiêu chi tiêu quân sự chiếm 2% GDP vào năm 2022.
Cũng vào ngày 29/6, Tổng thống Joe Biden cam kết tăng cường thêm binh sĩ, chiến đấu cơ và tàu chiến cho khu vực châu Âu, sau khi NATO đồng thuận đẩy mạnh năng lực phòng thủ lên mức cao nhất kể từ Chiến tranh Lạnh nhằm phản ứng trước cuộc xung đột quân sự giữa Nga – Ukraine.
Trong bối cảnh có thêm binh sĩ Đức, Anh và một số quốc gia khác trong khối NATO được cảnh báo triển khai tới phía đông, Mỹ cũng sẽ tăng cường năng lực cho 100.000 lính đang có mặt sẵn ở châu Âu bằng cách điều động thêm chiến hạm tới Tây Ban Nha, máy bay tới Anh, các loại vũ khí tới những nước Baltic và thêm quân tới Romania.
“Chúng tôi muốn nói cuộc tấn công chống lại một nước là tấn công tất cả”, Reuters dẫn lời ông Biden.
Tuy nhiên, Thủ tướng Italy Mario Draghi lại có tuyên bố hạ nhiệt mối lo về tương lai gần xảy ra một cuộc đối đầu vũ trang giữa NATO và Nga.
“Hiện không có mối đe dọa leo thang quân sự. Chúng tôi cần phải sẵn sàng, nhưng hiện không có nguy cơ”, ông Draghi nói thêm.
Từ đầu các nước Baltic đã muốn NATO đặt nhiều căn cứ quân sự thường trực ở khu vực, cũng như tăng cường số lượng binh sĩ NATO hiện diện lên gấp 10 lần so với con số 5.000 người trước thời điểm xảy ra xung đột quân sự ở Ukraine.
Tuyên bố hôm 29/6 của NATO cho thấy sẽ có thêm binh sĩ của khối liên minh quân sự được điều động tới Estonia, Latvia và Lithuania, cũng như có thêm thiết bị, vũ khí và đạn dược được chuyển tới khu vực để thiết lập hệ thống quân tăng cường phản ứng nhanh.
Các nhà lãnh đạo NATO cho biết sẽ tiến tới đưa hơn 300.000 binh sĩ vào trạng thái sẵn sàng cao hơn.
Trong quá khứ, NATO chỉ đưa khoảng 40.000 binh sĩ vào trạng trái sẵn sàng đối phó với bất cứ cuộc tấn công nào từ phía Nga, hoặc phản ứng trước những cuộc khủng hoảng tiềm tàng.
“Cuộc chiến của Nga ở Ukraine làm phá vỡ hòa bình ở châu Âu, và tạo ra cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ Hai. NATO phải phản ứng với sức mạnh và sự đoàn kết”, Tổng thư ký Stoltenberg nói trong cuộc họp báo.
Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ thiết lập một trụ sở quân sự thường trực mới ở Ba Lan và ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh từ Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. Ông Duda thừa nhận Warsaw từ lâu đã muốn có một căn cứ quân sự Mỹ trên lãnh thổ quốc gia.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết