Dưới đây là một số diễn biến quan trọng liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine ngày 20/11.
Ukraine tuyên bố có thể tiến vào Crimea trong tháng 12. Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Vladimir Gavrilov tuyên bố Kiev có thể tiến vào Crimea vào cuối năm nay. Trong cuộc trả lời phỏng vấn Sky News ngày 19/11, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Vladimir Gavrilov tuyên bố cái được gọi là “thiên nga đen”- hay một sự kiện bất ngờ và bất ngờ – có thể mang lại chiến thắng cho Ukraine.
“Tôi nghĩ rằng Nga có thể đối mặt với ‘thiên nga đen’ ở đất nước của họ, bên trong nước Nga, và điều này có thể góp phần vào thành công của chúng tôi với Crimea”, ông nói, đồng thời cho biết “cũng có một lựa chọn quân sự cũng như một số hình thức kết hợp lực lượng, các nguồn lực và các yếu tố khác”.
Ba Lan từ chối Ngoại trưởng Nga tham gia cuộc họp của OSCE. Ba Lan tuyên bố không cho phép Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhập cảnh để tham dự cuộc họp cấp bộ trưởng của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Lodz vào tháng 12 tới.
Nga chỉ trích Ba Lan từ chối cấp thị thực cho Ngoại trưởng Lavrov. Trong một tuyên bố trên trang web của mình, Bộ Ngoại giao Nga đã chỉ trích gay gắt chức chủ tịch OSCE của Ba Lan và cho rằng Warsaw đã làm mọi cách để phá hủy các trụ cột của nhóm và làm xói mòn các nguyên tắc đồng thuận cơ bản của OSCE. Tuyên bố cho biết hầu hết các sự kiện quan trọng của OSCE đã bị hủy bỏ hoặc được tổ chức theo hình thức thay thế.
Cơ quan ngoại giao Nga cho biết Ba Lan cũng chặn Nga tham gia công việc của Hội đồng Nghị viện OSCE được ấn định từ ngày 24 đến 26/11. Bộ Ngoại giao Nga đề nghị cần có sự giải thích về việc từ chối cấp thị thực cho ông Lavrov, một động thái mà nước này cho rằng chưa từng có và khiêu khích Nga.
Phương Tây “mệt mỏi” với Ukraine, muốn thúc đẩy đàm phán , cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nhận định trong một bài đăng trên Telegram ngày 19/11. Phản ứng của phương Tây về vụ tên lửa rơi ở làng Przewodow của Ba Lan khiến 2 dân thường thiệt mạng hôm 15/11 đã cho thấy sự mệt mỏi của họ với Ukraine. Ngay cả “những người bài Nga mạnh mẽ nhất” ở Warsaw cũng không đổ lỗi vụ việc cho Moscow, ông Medvedev – hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, nhận xét.
“Mỹ, NATO và Liên minh châu Âu không muốn cắt đứt toàn với Nga, dấy lên nguy cơ xảy ra chiến tranh thế giới thứ ba. Do đó, các nỗ lực thường xuyên của họ là nhằm kiềm chế Ukraine và thúc đẩy nước này đàm phán”, ông Medvedev nhận định.
Ukraine lên kế hoạch sơ tán dân ở Kherson. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tái hòa nhập các vùng lãnh thổ không kiểm soát Ukraine – Iryna Vereshchuk ngày 19/11 thông báo, Ukraine đang chuẩn bị sơ tán một số người dân khỏi Kherson.
Hãng thông tấn Ukrinform dẫn lời Phó Thủ tướng Iryna Vereshchuk cho biết: “Mọi người đều có thể chuyển đến các vùng an toàn hơn, nếu họ muốn và chính phủ sẽ cung cấp phương tiện đi lại, chỗ ở, dịch vụ chăm sóc sức khỏe cùng nhiều sự hỗ trợ khác”. Theo quan chức này, đây không phải là một cuộc sơ tán quy mô lớn, nhưng rất cần thiết nhằm giúp người dân đối phó mùa Đông khắc nghiệt đang đến gần.
Nga đang làm kiệt quệ hệ thống phòng không Ukraine . Phát biểu với báo chí, ông Colin Kahl – Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách chính sách cảnh báo: “Nga đang cố gắng áp đảo và làm cạn kiệt các hệ thống phòng không của Ukraine – hệ thống vốn đã ngăn cản quân đội Nga thiết lập quyền kiểm soát bầu trời Ukraine. Chúng tôi biết lý thuyết chiến thắng của Nga là gì và chúng tôi cam kết đảm bảo Ukraine sẽ có được những gì họ cần để duy trì khả năng phòng không”.
“Tôi nghĩ, có lẽ một trong những điều khiến Nga ngạc nhiên nhất chính là khả năng phòng không mạnh mẽ của Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra”, ông Colin Kahl lưu ý.
Mỹ cảnh báo xung đột Nga-Ukraine có thể tạo vòng xoáy phổ biến vũ khí hạt nhân. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Loy Austin ngày 19/11 cảnh báo rằng xung đột hiện nay ở Ukraine có thể dẫn tới một vòng xoáy phổ biến vũ khí hạt nhân nguy hiểm.
Phát biểu tại diễn đàm an ninh quốc tế Halifax ở Canada, Bộ trưởng Austin cho rằng, xung đột Nga – Ukraine sẽ khiến thế giới ngày càng mất an toàn bởi nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân. Theo Bộ trưởng Austin, Nga đã quay sang yêu cầu trợ giúp từ Iran và Triều Tiên trong cuộc xung đột ở Ukraine, cụ thể bằng việc các máy bay không người lái do Iran sản xuất đã được phát hiện ở Ukraine.
Pháo tự hành PzH-2000 của Đức gặp trục trặc ở Ukraine. Các khẩu pháo Panzerhaubitze 2000 của Đức không thể chịu được sự khắc nghiệt trong cuộc xung đột ở Ukraine và Đức không có đủ phụ tùng thay thế để gửi cho Ukraine, theo Der Spiegel.
Đức đã gửi cho Ukraine 14 khẩu pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 (PzH-2000), tuy nhiên, các vấn đề đã nảy sinh ngay khi số vũ khí này được đưa ra thực địa. Các khẩu pháo đã bị hao mòn và xuất hiện thông báo lỗi vào tháng 7 vừa qua. 6 khẩu pháo đã được gửi đến Litva để sửa chữa. Trong số này, chỉ có 5 khẩu sẽ quay trở lại Ukraine.
Cả quân đội Đức và ngành công nghiệp vũ khí nước này đều không thể cung cấp các phụ tùng thay thế cần thiết để sửa chữa tất cả các khẩu pháo PzH-2000 đã cung cấp cho Ukraine. Các kỹ thuật viên phải tháo rời một khẩu pháo để có phụ tùng thay thế cho những khẩu khác.
Nga sẽ sản xuất và lắp ráp trong nước UAV do Iran thiết kế. Theo thông tin tình báo mới mà các cơ quan an ninh của Mỹ và phương Tây có được, Moscow đã đạt được thỏa thuận để bắt đầu sản xuất trên lãnh thổ Nga hàng trăm máy bay không người lái (UAV) do Tehran thiết kế.
Washington Post dẫn thông tin từ 3 quan chức nắm thông tin về vấn đề này cho biết, giới chức Nga và Iran đã hoàn tất thỏa thuận trong cuộc họp ở Iran vào đầu tháng 11. Hiện 2 nước đang nhanh chóng chuyển giao bản thiết kế và thành phần chính để có thể bắt đầu sản xuất trong vài tháng tới./.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết