Vào đêm 7/8, trên tài khoản mạng xã hội của một số người (trong đó có một số nhà báo), lan truyền thông tin: Một bác sĩ tên Khoa đã quyết định rút ống thở của cha mẹ mình (đang nằm viện vì mắc Covid-19) để cứu một sản phụ mổ song thai. Sản phụ và hai em bé được cứu sống còn cha mẹ bác sĩ qua đời.
Câu chuyện được chia sẻ với tốc độ chóng mặt và hầu hết đều bày tỏ sự ngưỡng mộ với hành động cao cả của vị bác sĩ. Tuy nhiên, những thông tin về nơi làm việc của bác sĩ, về mẹ con sản phụ đều không rõ ràng.
Suốt gần 10 giờ đồng hồ thông tin trên lan truyền, trên mạng bắt đầu xuất hiện những nghi vấn về tính xác thực. Cụ thể, hình ảnh em bé được xác định là từ một ca mổ khác, diễn ra ngày 21/7 bởi bác sĩ Nguyễn Hữu Thịnh, ở một địa điểm khác, không phải bởi “bác sĩ Khoa”.
Profile của “bác sĩ Khoa” đều là giả mạo
Ngày 8/8), Sở Y tế TP.HCM đã lập tức ra thông báo, xác nhận những thông tin lan truyền về câu chuyện của bác sĩ Trần Khoa hoàn toàn là hư cấu. Không có chuyện rút ống thở của bệnh nhân tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM.
Càng đặc biệt hơn khi đến ngày hôm nay (ngày 9/8), nhiều người đã bất ngờ khi tìm được thông tin về một vị Phó Giáo sư có tên Toh Wei Seong có gương mặt giống hệt với hình ảnh được đặt làm avatar trên Facebook của bác sĩ Trần Khoa.
Liên quan đến câu chuyện hư cấu “nhường ống thở”, còn có rất nhiều các tài khoản Facebook khác cũng tương tác với Facebook bác sĩ Trần Khoa khiến câu chuyện càng thêm phần… chân thực. Tuy nhiên, khi tìm hình ảnh đại diện trên Facebook của những người này cũng cho ra một số kết quả bất ngờ.
Cụ thể như Facebook Võ Thùy Linh khi tìm ảnh đại diện cũng cho ra kết quả là một chuyên gia người HongKong.
Hay như Thanh Hùng Lê – 1 người tự nhận là thầy của Facebooker Trần Khoa – thì lại có avatar Facebook là 1 diễn viên Hàn Quốc.
Nhóm của “bác sĩ Khoa” dựng chuyện lấy tiền người cả tin ra sao?
Câu chuyện về “bác sĩ Trần Khoa” rút ống thở của mẹ để nhường sự sống cho sản phụ nguy kịch sắp sinh lan trên Facebook, cũng là một trong vô số những chiêu lừa đảo đó. Hình ảnh đại diện trên Facebook của “bác sĩ Khoa” là của một tiến sĩ chuyên về nha khoa của Singapore có tên là Toh Wei Seong làm việc tại đại học NUHS bên Singapore. Các thành viên mà “bác sĩ Khoa” sau khi đăng bài rồi tag các Facebook như Phong Lam, Thy Nguyễn… vào đều đã “biến mất”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tất cả những Facebook trong nhóm đều có chung một đặc điểm, phần lớn là lấy hình của các giáo sư đầu ngành về y khoa của Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) hay Úc ghép vào.
Phong Lam hay Trần Khoa, không biết có ngoài đời thật hay không, hay chỉ có trong những mảnh đời được hư cấu nhằm mục đích lợi dụng lòng người của một nhóm lừa đảo. Duy chỉ có cái tên Facebook Thy Nguyễn là có thật, vì cái tên này có số tài khoản mang tên Nguyễn Thị Minh Thy, được công khai để “gom” tiền của các mạnh thường quân, người chơi mạng xã hội giàu lòng trắc ẩn.
Sau quá trình xác minh, nhóm người trên đã lập ra các tài khoản mang tính chất giả nhưng lại tương tác thật trên mạng xã hội. Nhóm này đã đưa những thông tin mang tính chất bịa đặt, không có thật trên thực tế với những câu chuyện cảm động theo kiểu lấy nước mắt của cộng đồng, trong đó nội dung “bác sĩ Khoa” đã rút ống thở của mẹ mình để cứu sản phụ mang song thai đang nguy kịch là một trong những thông tin được chia sẻ rất nhanh trên mạng xã hội.
Ngày 9/8, hai tài khoản chia sẻ thông tin không đúng sự thật từ Facebook Trần Khoa đã bị xử phạt.
Hai chủ tài khoản Facebook bị xử phạt là Nguyễn Đức Hiển và Hoàng Nguyên Vũ. Khi làm việc với cơ quan chức năng cả hai chủ tài khoản trên đều thừa nhận đã vội vã chia sẻ nội dung từ Facebook Trần Khoa mà chưa kiểm chứng tính chính xác của thông tin. Sau khi phát hiện sự việc không có thật, cả hai tài khoản trên đã gỡ bài và đăng lời xin lỗi.
LifeHub