F0 sau thời gian điều trị Covid-19 có nguy cơ bị suy dinh dưỡng ở các mức độ khác nhau, giảm sức đề kháng và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như giảm khối cơ; suy giảm chức năng, ảnh hưởng xấu tới mô mỡ và khối xương, làm cho cơ thể bị suy kiệt.
Dinh dưỡng hợp lý và đủ nước là điều quan trọng để giải quyết căn bệnh này và giúp kiểm soát các triệu chứng. Một chế độ ăn uống cân bằng có thể tối ưu hóa chức năng của hệ thống miễn dịch, cải thiện sự trao đổi chất và có thể giúp ngăn ngừa sự phát triển của các triệu chứng mạn tính liên quan đến COVID-19.
Người sau điều trị Covid-19 thường mệt mỏi, chán ăn vì vậy cần ăn nhiều lần trong ngày, khoảng 5 bữa/ngày, tránh ăn quá no có thể gây khó thở.
Các món ăn chế biến ở dạng mềm, thái nhỏ, hầm kỹ để dễ tiêu hóa và hấp thu. Nên ăn các món luộc, hấp, nấu thay thế các món ăn chiên, rán, nướng gây khó tiêu.
Ăn đủ nhu cầu, ăn đa dạng, thay đổi thường xuyên các loại thực phẩm trong ngày. Đặc biệt nên bổ sung thêm sữa và các chế phẩm sữa, vừa đảm bảo đủ dinh dưỡng vừa dễ tiêu.
Khẩu phần ăn hàng ngày cần có sự phối hợp ở tỷ lệ cân đối giữa nguồn chất đạm động vật và thực vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản, đậu, đỗ…) cũng như chất béo động vật và thực vật.
Tăng cường ăn thực phẩm lành mạnh như cá, hải sản, trứng, sữa và các chế phẩm của sữa, thịt gia cầm, các loại đậu đỗ, đậu tương và sản phẩm từ đậu tương; Tăng cường sử dụng rau xanh và hoa quả. Các vitamin A, C , D, E và chất khoáng như sắt, kẽm… có vai trò trong chống viêm, chống nhiễm trùng, nâng cao sức đề kháng và miễn dịch.
Khi chế biến bữa ăn nên dùng thêm các loại gia vị như: Hành, tỏi, sả, gừng… vì ngoài vitamin và khoáng chất, chúng còn có chất kháng sinh thực vật.
Bổ sung nước thường xuyên, với người trưởng thành, cần bổ sung từ 1,6 – 2,4 lít nước/người/ngày (tương đương 8 – 12 ly thủy tinh), do F0 có thể diễn biến ho, sốt, viêm phổi… dẫn đến bị mất nước và một số chất điện giải như natri, kali…
Lifehub tổng hợp