Trong phát biểu ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga trong bối cảnh Moskva đang triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
“Dầu của Nga sẽ không còn được chấp nhận ở các cảng của Mỹ và người Mỹ sẽ giáng thêm một đòn mạnh mẽ nữa vào cỗ máy chiến tranh của Nga”, ông Biden giải thích.
Giới phân tích cho rằng quyết định trên của Mỹ sẽ làm gia tăng tác động của của chiến dịch quân sự đối với kinh tế toàn cầu sau khi thế giới đã phải trải qua việc thiếu hụt nguồn cung và giá cả leo thang do tác động của đại dịch COVID-19. Giá xăng tại Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục, đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.
Trước đó, các hãng tin của Nga dẫn lời Phó Thủ tướng nước này Alexander Novak hôm 7/3 cảnh báo chính sách cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga có thể dẫn tới những hậu quả “khủng khiếp” đối với thị trường toàn cầu, theo đó giá dầu sẽ tăng tới mức không thể dự đoán được, có thể lên đến 300 USD/thùng.
Ông cho rằng thị trường châu Âu sẽ không thể nhanh chóng tìm ra nguồn cung thay thế dầu mỏ Nga, có thể mất hơn một năm và người tiêu dùng châu Âu sẽ phải chịu mức giá đắt đỏ hơn.
Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và cho đến nay việc xuất khẩu năng lượng của nước này vẫn chưa bị áp đặt trừng phạt.
Lệnh cấm nhận được sự ủng hộ từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, theo ông Biden. Mỹ cũng đã tham vấn với các đồng minh trước khi thông báo tiến hành.
Trong thông điệp gửi đến người dân, ông Biden khẳng định chính cuộc chiến của Nga đã đẩy giá nhiên liệu lên cao, ám chỉ hành động ban lệnh cấm chỉ là hệ quả từ tình hình chiến sự. “Cuộc chiến này là lời nhắc nhở cho chúng ta phải độc lập về năng lượng”, ông Biden nói.
“Ukraine sẽ không bao giờ là một chiến thắng cho Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông ấy có thể chiếm được một thành phố, nhưng sẽ không bao giờ có thể giữ được đất nước đó. Và nếu chúng ta không đáp trả cuộc tấn công của Nga vào nền hòa bình và ổn định toàn cầu ngày hôm nay, cái giá phải trả cho tự do và cho người dân Mỹ sẽ còn lớn hơn vào mai sau”, Tổng thống Biden nói và ca ngợi sự dũng cảm của người dân Ukraine.
Trong thông báo dài hơn 12 phút, ông Biden cũng kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine và rời đi mà không nhận trả lời câu hỏi nào từ báo chí như trong các buổi thông tin quen thuộc.
Từ khi truyền thông phát đi thông tin Mỹ sẽ cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga, giá dầu Brent trên thị trường đã nhích lên.
Anh cũng tuyên bố sẽ dừng nhập khẩu dầu mỏ của Nga vào cuối năm 2022
Chính phủ Anh ngày 8/3 thông báo nước này sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ và các sản phẩm chế biến từ dầu mỏ của Nga vào cuối năm nay.
Tuyên bố của London được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng ngày chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga trong bối cảnh Moskva đang triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Chính phủ Anh cũng tuyên bố sẽ giảm dần nhập khẩu dầu và chế phẩm từ dầu mỏ của Nga trước cuối năm nay, khẳng định biện pháp này sẽ giúp thị trường và các doanh nghiệp có đủ thời gian tìm phương án thay thế. Dầu từ Nga hiện phục vụ khoảng 8% nhu cầu tại Anh.
“Đến cuối năm nay, chúng tôi sẽ tìm nguồn khác thay thế 100 tỉ mét khối khí đốt nhập khẩu từ Nga. Con số đó tương đương 2/3 lượng chúng tôi nhập khẩu từ họ”, phó chủ tịch EC Frans Timmermans nhấn mạnh ngày 8/3.
Lifehub tổng hợp