Khi cả thế giới mải tập trung vào việc tìm kiếm mỏ dầu, nguồn nước sạch nhưng chúng ta đã quên mất rằng một tài nguyên quan trọng khác sắp cạn kiệt. Đó là gì?
Cát bao phủ một diện tích lớn trên bề mặt của Trái đất. Và cát là nguồn tài nguyên mà nhu cầu sử dụng của con người chỉ đứng thứ 2 sau nước. Cát còn là vật liệu được khai thác nhiều hơn cả dầu mỏ. Cát được đưa vào ứng dụng trong xây dựng, sản xuất thủy tinh, cải tạo đất, sản xuất chip bán dẫn…
Dù chúng ta cho rằng lượng cát trên Trái đất vô cùng dồi dào nhưng các nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo rằng nguồn tài nguyên này đang có nguy cơ cạn kiệt? Điều gì đang xảy ra?
Khủng hoảng cát toàn cầu
Một trong những nguyên nhân quan trọng là do “cầu vượt cung”. Mặc dù cát là nguồn tài nguyên có thể tái tạo tự nhiên nhưng lượng “thất thoát” hàng năm vẫn quá lớn.
Theo khảo sát của tổ chức Freedonia, năm 2016 tổng sản lượng cát khai thác cho nhu cầu xây dựng của thế giới là 13,7 tỉ tấn, 70% là tiêu thụ ở châu Á, trong đó Trung Quốc tiêu thụ gần 5 tỉ tấn. Gần 2/3 sản lượng xi măng toàn cầu đang được tiêu thụ ở Trung Quốc và Ấn Độ do nhu cầu đô thị hóa ở nước này đang tăng nhanh.
Theo thống kê của Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP), lượng cát được sử dụng hàng năm trên thế giới đã vượt qua 40 tỷ tấn và nó đã tăng 200% so với lượng sử dụng của 20 năm trước. Do đó, dù cát có thể tái tạo tự nhiên nhưng cũng không thể theo kịp tốc độ sử dụng của con người.
Nhận định về cảnh báo này, Pascal Peduzzi, Giám đốc Cơ sở dữ liệu thông tin tài nguyên toàn cầu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho biết “Chúng ta từng cho rằng cát ở khắp mọi nơi. Và chúng ta cũng chưa bao giờ nghĩ rằng thế giới sẽ cạn kiệt cát, nhưng ở một số nơi, điều này đã xảy ra”.
Singapore và các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) là những quốc gia nhập khẩu nhiều cát nhất trên thế giới. Trong vòng 4 thập niên, diện tích của Singapore đã tăng thêm 130km2 là nhờ dùng cát để lấn biển. UAE đã tiêu thụ tới 185 triệu m3 cát để xây dựng các đảo nhân tạo phục vụ du lịch.
Hệ lụy từ việc khai thác bừa bãi
Theo UNEF, việc xuất khẩu cát sang Singapore chính là nguyên nhân khiến 24 đảo cát của Indonesia biến mất. Sau đó, Indonesia đã ra lệnh cấm xuất khẩu cát sang Singapore. Campuchia và Malaysia đã cấm xuất khẩu cát biển. UAE phải nhập khẩu cát từ Úc vì nguồn cung cấp của họ đã cạn kiệt.
Dù vậy, nhu cầu về cát của các quốc gia trên thế giới vẫn ngày càng tăng và chưa có dấu hiệu giảm bớt. Chính vì thế, nạn buôn bán cát trái phép đã diễn ra và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho nhiều nước. Điển hình như Ấn Độ, khai thác cát trái phép đã trở thành tệ nạn. Nhiều vụ giết người, đâm chém đã xảy ra chỉ vì tranh giành quyền khai thác.
Theo nhà vận động xã hội người Tây Ban Nha – Alex Gonzalez Davidson cho biết, mỗi năm ngành cát giao dịch khoảng 70 tỷ USD và trong đó có ít nhất 15 tỷ USD là đến từ các mỏ khai thác trái phép.
Tại Maroc, nửa số cát mà quốc gia này đang sử dụng vốn là từ việc khai thác trái phép từ bờ biển. Hiện tượng xói mòn đã xảy ra khiến cho ngành du lịch của đất nước này bị ảnh hưởng.
Không chỉ có Maroc, khai thác cát đang gây ra những ảnh hưởng lớn tới các rạn san hô ở Kenya. Việc này cũng khiến các loài cá sấu ở Ấn Độ rơi vào cảnh tuyệt chủng. Tương tự, hệ sinh thái của dòng sông Mekong đang rơi vào tình trạng đáng báo động. Cụ thể, lòng sông Mekong ở khu vực hạ lưu đã bị hạ thấp tới vài mét chỉ trong vài năm gần đây.
Ngoài ra, các nhà khoa học nhấn mạnh thêm rằng việc khai thác cát quá mức sẽ phá hủy hệ sinh thái khiến cho thiên tai xảy ra nhiều hơn. Nguyên nhân là do các bãi biển bị biến mất nên không có gì để ngăn chặn lũ. Cơn sóng thần xảy ra tại Sri Lanka vào năm 2004 đã phá hủy mọi thứ chính là minh chứng cho việc khai thác cát quá mức ở đảo quốc này.
Chưa hết, nguồn cung cát trở nên khan hiếm khiến cho giá của nó tăng một cách nhanh chóng. Giá giao dịch cát đã tăng lên gần 6 lần trong suốt 25 năm. Số liệu từ Centennial Construction Network cung cấp, giá cát tại Trung Quốc đang ở mức “cao ngất ngưởng”. Tính đến ngày 30/06/2022, bình quân giá cát ở nước này đang là khoảng 138 NDT/m3 (tương đương hơn 450.000 đồng/m3).
Trên thế giới, nhiều nước đã tăng giá thành các sản phẩm có sử dụng cát là nguyên liệu do quá khan hiếm. Từ tháng 6 năm 2022, 2 công ty sản xuất wafer silicon là ShinEtsu và SUMCO đã thông báo tăng giá bán với lý do đưa ra là bởi giá cát liên tục tăng mạnh.
Vậy, đứng nguy cơ cát đang ngày càng cạn kiệt, giá của tài nguyên này tăng mạnh, các chuyên gia đã đưa ra đề xuất gì để giải quyết vấn đề này?
Cần 1 quy hoạch lớn
Trên thực tế, các nhà khoa học đã sáng chế ra cát nhân tạo với mục đích thay thế cho cát tự nhiên. Cát được nghiền từ đá, sỏi đều được loại bỏ tạp chất và bụi nên không cần phải sàng lọc trước khi cho vào bê tông. Chúng có kích cỡ đồng nhất, cường độ chịu lực cao nên rất phù hợp để sản xuất bê tông. Tuy nhiên, giá thành của cát nhân tạo hiện vẫn đang khá cao.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia đã bắt đầu đưa vào sử dụng tro tái chế từ chất thải rắn bị đốt cháy để thay thế cho cát. Hay như tại Zurich, một thành phố ở Thụy Sĩ đang xây dựng các tòa nhà với 98% là bê tông tái chế.
Một ý tưởng khác hiện đang được triển khai tại Ấn Độ là sử dụng nhựa thải để sản xuất bê tông. Ngoài ra, một số vật liệu khác như gỗ cũng đang được nghiên cứu để đưa vào sử dụng.
Cùng với các giải pháp kể trên, chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc cũng đưa ra khuyến nghị chính phủ các nước cùng phối hợp để đưa ra 1 bộ quy tắc chung về quản lý khai thác cát tự nhiên. Nếu bộ quy tắc được triển khai và các quốc gia thực hiện nghiêm túc thì chắc chắn nguồn tài nguyên cát sẽ không rơi vào cảnh cạn kiệt cũng như nạn buôn lậu cát sẽ không còn tiếp diễn.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết