Lần đầu tiên hút thuốc lá điện tử, cô gái 20 tuổi ở Hà Nội phải nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, suy tim, tổn thương não lan tỏa tất cả các vị trí, tổn thương gan… do ngộ độc một chất ma túy thế hệ mới có trong thuốc lá điện tử.
Theo gia đình bệnh nhân, cô gái chưa hút thuốc bao giờ. Ngày 25/7, bệnh nhân có đi chơi với bạn và hút thuốc lá điện tử. Sau khi hút thì từ khoảng 18h đến 22h ngày 25/7, bệnh nhân bất tỉnh. Được bạn đưa vào bệnh viện tuyến cơ sở nhưng do bệnh nhân hôn mê sâu, tụt huyết áp nên 1h sáng ngày 27/7, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Gia đình đã mang mẫu lọ dung dịch thuốc lá điện tử mà bệnh nhân hút đến để các bác sĩ của Trung tâm Chống độc xác định độc chất. Kết quả xét nghiệm mẫu từ Viện Pháp y Quốc gia tìm thấy chất cần sa tổng hợp ADB- BUTINACA trong lọ dung dịch. Vì vậy, có thể xác định, bệnh nhân bị ngộ độc do chất cần sa tổng hợp có trong thuốc lá điện tử. Đây là loại ma túy thế hệ mới, là chất độc.
Theo cơ quan chức năng, chất ADB – BUTINACA có tác dụng gây ảo giác tương tự như các chất ma túy thuộc nhóm cần sa tổng hợp được tẩm vào các mẫu thảo mộc, nhưng không có trong Danh mục các chất ma túy theo Nghị định 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 và Nghị định 60/2020/NĐ-CP ngày 29/5/2020.
Lý do là chất ma túy tổng hợp thế hệ mới xuất hiện. Cần sa tổng hợp là nhóm lớn gồm hàng trăm hóa chất cụ thể, đều là các ma túy cực mạnh thế hệ mới, các đối tượng hàng ngày liên tục biến đổi, tổng hợp ra các chất ma túy mới, nhanh chóng vượt xa khỏi danh mục các ma túy mà các cơ quan quản lý quy định.
Việc xét nghiệm phát hiện các chất này vô cùng khó khăn, do là các chất mới, triển khai xây dựng quy trình xét nghiệm thành công với một chất nào đó bằng máy móc và nhân lực trình độ kỹ thuật cao, mất thời gian, nhưng khi xét nghiệm được thì đã xuất hiện các hợp chất mới.
Độc tính của mỗi hóa chất cần sa tổng hợp này lại rất khác nhau và ngộ độc mỗi chất lại là một loại bệnh hoàn toàn mới. Các phòng xét nghiệm độc chất chuyên sâu hàng đầu của Việt Nam mới chỉ có thể xét nghiệm được một số lượng nhất định, nhiều hóa chất cần sa tổng hợp còn lại chưa thể xét nghiệm phát hiện.
Các loại cần sa tổng hợp thâm nhập vào thuốc lá điện tử và các sản phẩm lạm dụng, gây nghiện khác, có thể ngang nhiên, công khai qua mặt các cơ quan chức năng mà không bị phát hiện.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc cho biết: Hàng tuần, Trung tâm tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc khác sau khi sử dụng thuốc lá điện tử như kích thích tăng cường ảo giác, tăng huyết áp, tụt huyết áp, yếu cơ, suy tim, suy thận,…
Ngoài bệnh nhân này, Trung tâm cũng đang điều trị cho 2 bệnh nhân khác cũng nhập viện vì sử dụng thuốc lá điện tử.
BS Nguyên khuyến cáo, tuyệt đối không sử dụng thuốc lá điện tử. Bởi lẽ trong thuốc lá điện tử có rất nhiều các thành phần chất tạo mùi, tạo khói, tạo hơi… Các tạp chất này khi đốt cháy có thể gây ung thư, tổn thương phổi…
Theo thông tin từ Viện Pháp Y quốc gia, đã phát hiện thấy vitamin E trong thuốc lá điện tử lưu hành ở Việt Nam. Điều này cho thấy có nguy cơ người dùng thuốc lá điện tử bị tổn thương phổi, thậm chí tử vong chỉ riêng do tổn thương phổi. Xa hơn nữa, Việt Nam có cũng có thể có nguy cơ tái diễn một đợt bùng phát nhiều người bị tổn thương phối và tử vong tương tự như ở Mỹ với nhiều người mắc và tử vong.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết