Khi bị đau mắt nhiều người mách nhau lấy nước lá trầu không để rửa mắt sẽ rất dễ chịu, giúp bệnh nhanh khỏi. Thực hư điều này như thế nào?
1. Thành phần hóa học của lá trầu không
ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Phụ trách khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết, lá trầu không còn được gọi là trầu cay, trầu lương, thổ lâu đằng…
Cây trầu không thuộc họ hồ tiêu và có tên khoa học là Piper betle L, thân leo và có cành hình trụ, rễ cây bén ở các mấu, lá trầu không mọc so le, hình tim tròn đôi khi không cân xứng.
Cây trầu không ưa ẩm môi trường bazơ và ánh sáng nên phát triển mạnh vào mùa mưa ẩm khoảng từ tháng 5 đến tháng 8.
Trong 100g lá trầu không có thành phần: Năng lượng: 44 kcal, nước: 85.6g, protein: 3.1g, lipid: 0.8g, muối khoáng: 2.3g, chất xơ: 2.3g, cacbohydrat:6.1g, canxi: 0.5g, sắt: 0.007g, vitamin A: 2.5mg.
Ngoài ra, lá trầu còn chứa một số dưỡng chất như vitamin nhóm B , acid ascorbic, carotene, tinh dầu…
2. Tác dụng của lá trầu không
Lá trầu không có vị cay nồng, mùi hơi hắc, tính ấm và thường được sử dụng làm thuốc bởi những tác dụng sau:
– Điều trị một số bệnh lý về răng miệng: Trong lá trầu không có rất nhiều chất chống oxy hóa và diệt khuẩn có khả năng trị hôi miệng hiệu quả. Ngoài ra, các hoạt chất chống viêm có trong lá trầu không có tính sát khuẩn cao giúp bảo vệ răng miệng, hạn chế sâu răng.
Hoạt chất flavonoid có trong lá trầu không có khả năng sát khuẩn và cầm máu, có thể giúp người bệnh thuyên giảm tình trạng nhiệt miệng, chảy máu chân răng.
– Giảm lượng cholesterol xấu trong máu: Trong lá trầu không có chất eugenol có tác dụng ức chế và trung hòa các gốc tự do hình thành cholesterol xấu, giúp ngăn ngừa các bệnh lý như mỡ máu, bệnh tim mạch và gan nhiễm mỡ.
– Điều trị một số bệnh lý phụ khoa: Sử dụng lá trầu không hỗ trợ điều trị một số bệnh lý phụ khoa như ngứa, viêm nhiễm, nhiễm nấm. Hiện nay, trên thị trường cũng có rất nhiều các sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ sử dụng nguyên liệu chính từ lá trầu không.
– Điều trị hôi nách: Sử dụng lá trầu không giã nát lấy nước cốt, hạt cau đun lấy nước và lau lên vùng nách, mỗi tuần thực hiện 2 – 3 lần và bạn sẽ thấy được hiệu quả tốt nhất.
– Hỗ trợ điều trị nấm da: Bạn có thể sử dụng lá trầu không giã nát đắp lên vùng da bị nấm hoặc đun lấy nước rửa hằng ngày.
3. Có nên dùng nước lá trầu không để rửa mắt?
Theo kinh nghiệm dân gian sử dụng lá trầu không đun nước rửa mắt, hoặc cho 3 lá trầu không rửa sạch, vò nát cho vào cốc đổ nước sôi vào, xông hơi nước đó vào mắt, chữa đau mắt đỏ, viêm kết mạc…
Lưu ý: Đã có nhiều trường hợp gặp tai biến khi sử dụng phương pháp rửa mắt hoặc xông mắt bằng lá trầu không do người sử dụng chế biến nước rửa không đảm bảo vệ sinh, dẫn đến nhiễm trùng, bệnh càng nặng thêm.
Vì vậy, khi bị đau mắt, tốt nhất người bệnh cần được đi khám tại chuyên khoa mắt. Việc áp dụng biện pháp rửa mắt, xông mắt bằng nước lá trầu không chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, không chữa được bệnh.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết