Từ lâu Zalo đã chú trọng đến trải nghiệm riêng tư và bảo mật của người dùng, có lẽ đây là lí do ứng dụng nhắn tin này được tin cậy nhất Việt Nam với 70 triệu người dùng thường xuyên.
Ngày nay, người dùng không đơn thuần quan tâm chức năng trao đổi tin nhắn thông thường của các ứng dụng nhắn tin mà còn đặc biệt chú trọng đến mức độ bảo mật thông tin. Là ứng dụng nhắn tin được yêu thích nhất Việt Nam, từ những ngày đầu tiên phát triển sản phẩm, Zalo thường xuyên nghiên cứu, cập nhật những tính năng giúp người dùng nâng cao bảo mật và bảo vệ quyền riêng tư.
Bảo mật dữ liệu tin nhắn
Mới đây, Zalo đã cho ra mắt tin nhắn mã hóa đầu cuối (E2EE), giúp người dùng tối ưu bảo mật cho nội dung trao đổi, hạn chế nguy cơ xâm nhập bất hợp pháp trong quá trình truyền dữ liệu.
Theo đó, sau khi nâng cấp E2EE, mọi thông tin bao gồm tin nhắn văn bản, thoại, hình ảnh, tập tin… đều được mã hóa và giải mã trực tiếp trên thiết bị người dùng. Điều này đảm bảo ngoài thiết bị người gửi và nhận, tin nhắn sẽ không thể giải mã ở bất kì thiết bị nào khác.
Chẳng hạn một người dùng tại TP.HCM soạn tin nhắn “Mai công tác Hà Nội nhé”, nội dung này sẽ được mã hóa dạng dãy ký tự đặc biệt, không mang ý nghĩa ngay trên máy người này. Chúng được giữ nguyên khi vận chuyển, cho đến khi người nhận tại Hà Nội mở tin nhắn lên, dãy ký tự mới được giải mã về nội dung gốc ngay trên thiết bị của họ.
Chị Hoàng Ngọc Liên (Hà Nội) cho biết: “Từ ngày nâng cấp mã hóa đầu cuối tôi rất an tâm khi gửi cho gia đình, đối tác những thông tin về tài chính, chuyện làm ăn vì nội dung đã được bảo mật tối đa”.
Là người quan tâm đến quyền riêng tư và bảo mật trên không gian mạng, anh Nguyễn Võ Chiến (TP.HCM) tâm sự: “Trước đây với các thông tin quan trọng chỉ muốn trao đổi trong một khoảng thời gian nhất định tôi phải thu hồi từng dòng một tốn công, bây giờ thì cứ bật tin nhắn tự xóa lên thôi, tiết kiệm thời gian và an tâm”.
Người dùng Zalo có thể chủ động bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật những cuộc hội thoại quan trọng với tin nhắn tự xóa sau 1, 7 hay 30 ngày theo nhu cầu cá nhân. Đây là khoảng thời gian phù hợp để đảm bảo rằng trò chuyện không bị rò rỉ ra ngoài và mọi người kịp đọc trước khi nó biến mất. Chiếc đồng hồ đếm ngược dưới mỗi tin nhắn trong cuộc hội thoại sau khi bật tính năng này cũng nhắc nhở mọi người về sự quan trọng của những thông tin đang trao đổi, tránh chia sẻ lung tung.
Trên Zalo, người dùng có thể tận dụng một số tính năng được phát triển riêng nhằm nâng cao tính riêng tư cho thông tin tài khoản. Trong trường hợp không muốn công khai thông tin cá nhân, người dùng dễ dàng ẩn đi năm sinh, giới tính, số điện thoại trên hồ sơ.
Bên cạnh đó, để tránh nhận lời mời kết bạn từ những người không quen biết, bạn cũng có thể tắt bớt một số nguồn không phù hợp. Điều này giúp người dùng kiểm soát được ai nhìn thấy tài khoản Zalo của mình và kết bạn qua các nguồn theo ý muốn.
Anh Ngô Văn Hải (TP.HCM) chia sẻ: “Danh bạ chỉ toàn đối tác và khách hàng, nên tôi điều chỉnh không cho người khác kết bạn qua hai cách tìm kiếm ‘có thể bạn quen’ và tìm ‘username’, giờ thì ai có số điện thoại mới tìm được tài khoản của tôi, đỡ bị làm phiền, bị kết bạn lung tung”.
Để chắc chắn hơn, bạn cũng có thể thiết lập thêm quyền riêng tư cho nhật ký của mình. Bên cạnh việc thiết lập trạng thái không nhận cuộc gọi, tin nhắn từ người lạ, người dùng cũng có thể chặn một số tài khoản bạn bè xem nhật ký, khoảnh khắc (story). Tính năng này được áp dụng trong trường hợp bạn vẫn giữ liên lạc nhưng không muốn một số người thấy hình ảnh, trạng thái trên nhật ký của mình.
Người dùng có thể bảo mật thông tin cá nhân và đảm bảo quyền riêng tư bằng các tính năng chặn người lạ và cài đặt nguồn kết bạn
Người dùng có thể kết hợp tính năng đặt mã khóa ứng dụng và đặt mật khẩu riêng cho từng hội thoại để tạo hai lớp bảo mật
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết