Việc các tiêu chuẩn áp dụng công nghệ an toàn ngày một trở nên khắt khe hơn lại có thể dẫn tới tác hại ngược.
Nhờ các tổ chức thử nghiệm va chạm trên thế giới, cấu trúc ô tô trong những năm trở lại đây đã trở nên vững chắc, hiệu quả và hiện đại hơn bao giờ hết.
Trên thực tế, các tổ chức trên không có quyền cấm bán xe tại bất cứ thị trường nào. Tuy nhiên, việc người tiêu dùng hiện tại thông thái hơn và tiếp cận được nhiều thông tin hơn một cách dễ dàng nhờ Internet khiến họ cực kỳ coi trọng những thang điểm hay danh hiệu an toàn được trao tặng.
Điều này buộc các hãng xe toàn cầu không thể xem nhẹ yếu tố an toàn trên bất kỳ dòng sản phẩm nào của mình.
Tuy nhiên, tốc độ mà các chuẩn an toàn nói trên trở nên thách thức hơn đang diễn ra quá nhanh.
Cấu trúc an toàn từ gầm và thân là một chuyện, giờ chuẩn an toàn nào từ NCAP của châu Á, Úc hay châu Âu hoặc IIHS đều yêu cầu cả công nghệ an toàn, chẳng hạn đèn pha thông minh hay phanh tự động khẩn cấp, và việc thúc ép các hãng xe ở mảng này lại không hề tốt.
Các công nghệ an toàn tân tiến như phanh khẩn cấp tự động, hỗ trợ giữ làn vẫn còn có thể phát triển thêm nữa khi công nghệ camera/cảm ứng và phần mềm đi kèm chúng trở nên tân tiến hơn.
Nhưng yếu tố này không thể cứ ép buộc là diễn ra. Việc bắt buộc phải trang bị các công nghệ chưa “chín” lên ô tô có thể phản tác dụng, gây hại trực tiếp tới an toàn của người dùng.
Trong thời gian gần đây, thông tin về những vụ tai nạn xảy ra vì hệ thống phanh khẩn cấp tự động bất chợt kích hoạt trong khi phía trước không có vật cản không ít. Số vụ hệ thống này không nhận diện được hiểm nguy cũng không hiếm.
Những công nghệ như trên có thể vận hành chính xác 99% thời gian, tuy vậy chính 1% thời gian xảy ra sai sót mới là điểm nguy hiểm có thể để lại hậu quả khôn lường, đặc biệt là nếu người lái không có kỹ năng xử lý tình huống bất ngờ như vậy.
Nhấn mạnh thêm vào yếu tố người lái, họ có thể rơi vào tình trạng quá dựa dẫm vào các công nghệ an toàn chủ động mà quên đi rằng chính bản thân mới là nhân tố chính quyết định xe có gặp tai nạn hay không.
Các hãng cần thêm thời gian hoàn thiện những gì đã có sẵn như công nghệ phanh khẩn cấp nói trên, thay vì cứ bắt buộc phải chạy theo và bổ sung hết tính năng nửa vời này tới tính năng nửa vời khác.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết