Đó là một vụ nổ vũ trụ được theo dõi trên khắp thế giới.
Cú huých lịch sử giữa thiên hà
Vụ va chạm giữa thiên hà diễn ra khi tàu vũ trụ thực hiện thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh kép (DART) cố tình đâm trực diện vào tiểu hành tinh Dimorphos với tốc độ 22.500 km/h vào tối 26/9 (giờ Mỹ tức sáng 27/9 giờ Việt Nam), theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Các nhà khoa học khẳng định DART sẽ không nghiền nát Dimorphos. Con tàu vũ trụ chỉ nặng 570 kg so với 5 tỷ kg của tiểu hành tinh nên vụ va chạm sẽ giống như một chiếc xe gôn đâm vào kim tự tháp nhưng họ kỳ vọng cú va chạm sẽ tạo ra một miệng núi lửa với khoảng 1 triệu kg đất và đá văng vào không gian và quan trọng nhất là thay đổi quỹ đạo của tiểu hành tinh.
“Chúng ta đã tác động được!“, Elena Adams, kỹ sư hệ thống thử nghiệm DART tại Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng Đại học Johns Hopkins (JHUAPL), vui mừng hô lớn khi chứng kiến cú đâm lịch sử này.
Lori Glaze, Giám đốc Bộ phận Khoa học Hành tinh của NASA cho biết: “Chúng ta đang mở ra một kỷ nguyên mới của nhân loại, một kỷ nguyên mà chúng ta có khả năng tự bảo vệ mình khỏi một thứ gì đó như một tác động từ tiểu hành tinh nguy hiểm. Thật là một điều đáng kinh ngạc. Trước đây chúng ta chưa có khả năng này”.
Mục tiêu của tàu vũ trụ là ảnh hưởng đến chuyển động của một tiểu hành tinh trong không gian nhưng các thành viên nhóm DART cho biết họ sẽ mất khoảng hai tháng để xác định xem quỹ đạo của tiểu hành tinh có thay đổi hay không.
Dimorphos là một tiểu hành tinh nhỏ quay quanh tiểu hành tinh Didymos gần Trái đất. Giới chức NASA cho biết, hệ thống tiểu hành tinh này không gây ra mối đe dọa nào đối với Trái đất và chính điều này khiến nó trở thành mục tiêu hoàn hảo để kiểm tra tác động động học – rất cần thiết nếu một tiểu hành tinh đang trên đường đâm vào Trái đất.
Một vụ tai nạn tàu vũ trụ để bảo vệ hành tinh
“Theo những gì chúng tôi có thể nói, cuộc thử nghiệm phòng thủ hành tinh đầu tiên của chúng tôi đã thành công tốt đẹp. Tôi nghĩ con người trên Trái đất sẽ ngủ ngon hơn. Chắc chắn, tôi cũng vậy“, bà Adams nói.
Tuy nhiên, đó là điều mà loài khủng long không thể làm cách đây 65 triệu năm, khi tiểu hành tinh Chicxulub khổng lồ lao vào bán đảo Yucatan và dẫn đến sự tuyệt chủng của chúng.
Katherine Calvin, cố vấn khí hậu cấp cao của NASA, cho biết: “Những con khủng long không có chương trình vũ trụ để giúp chúng, nhưng chúng tôi có. Vì vậy, DART đại diện cho tiến bộ quan trọng trong việc hiểu các mối nguy tiềm ẩn trong tương lai và cách bảo vệ hành tinh của chúng ta khỏi các tác động tiềm ẩn“.
DART là minh chứng đầu tiên cho cái mà NASA gọi là “tác động động học” để bảo vệ hành tinh: Đâm tàu vũ trụ vào một tiểu hành tinh để thay đổi quỹ đạo của nó. Đó là một phương pháp cơ bản để bảo vệ Trái đất nếu một tiểu hành tinh nguy hiểm tiềm ẩn được phát hiện 5 hoặc 10 năm trước một vụ va chạm trong tương lai.
Tom Statler, nhà khoa học hệ thống thử nghiệm DART của NASA cho biết: “Chúng tôi đang thay đổi chuyển động của một thiên thể tự nhiên trong không gian. Nhân loại chưa bao giờ làm điều đó trước đây“.
Các nhà khoa học NASA cho biết, nguy cơ xảy ra thảm họa tiểu hành tinh đâm vào Trái đất là điều xa vời nhưng có thật. NASA đã phát hiện ra khoảng 40% các tiểu hành tinh rộng tới 140 mét có thể gây ra mối đe dọa cho Trái đất. NASA cũng đang phát triển kính viễn vọng không gian khảo sát vật thể gần Trái đất hay còn gọi là Máy khảo sát NEO được thiết kế đặc biệt để tìm kiếm các tiểu hành tinh nguy hiểm trong hệ mặt trời.
Nhưng loài người cũng cần có những phương pháp để làm chệch hướng một tiểu hành tinh nguy hiểm nếu một tiểu hành tinh được phát hiện. Do đó DART đã nhận sứ mệnh lịch sử này.
Và trong tình huống bảo vệ hành tinh, ngay cả một sự thay đổi nhỏ trong quỹ đạo của tiểu hành tinh – với điều kiện nó vẫn cách Trái đất đủ xa – cũng có thể ngăn cản tác động của ngày tận thế.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết