Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của lực lượng CSGT rất chặt chẽ, không có chuyện cứu giúp người bị tai nạn giao thông lại bị xử oan.
Những ngày qua, trên mạng xã hội liên tục chia sẻ câu chuyện hai vợ chồng lái xe tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh sau khi cứu giúp người gặp tai nạn trên đường bị gia đình nạn nhân tố cáo là người gây ra tai nạn.
Cụ thể, ngày 17/6, chị N.T.V.A (SN 1992, trú tại huyện Vân Đồn) và chồng chị là anh N.V.C (SN 1988) điều khiển xe bán tải BKS 14C-104.18 đi trên đường bao biển đoạn xã Hạ Long, huyện Vân Đồn gặp người đàn ông ra tín hiệu dừng xe.
Lúc này, tại khu vực trên có vụ tai nạn giao thông nên mọi người nhờ xe của chị N.T.V.A để đưa nạn nhân tới bệnh viện.
Nạn nhân là bà P.T.T (SN 1965, trú tại huyện Vân Đồn) bị chấn thương sau cú tông của xe ô tô. Sau khi đưa nạn nhân vào phòng cấp cứu của bệnh viện, vợ chồng chị N.T.V.A ra về.
Theo lời chị N.T.V.A, ít ngày sau đó người nhà nạn nhân tố cáo chính vợ chồng chị là người gây ra tai nạn.
Lãnh đạo Đội CSGT-Trật tự, Công an huyện Vân Đồn thông tin, qua thu thập bằng chứng và hệ thống camera cho thấy vợ chồng chị N.T.V.A không phải là người gây tai nạn mà chỉ là người giúp đỡ, đưa nạn nhân tới bệnh viện.
Còn theo diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của lực lượng CSGT được quy định trong Thông tư 63/2020/TT-BCA.
“Có thể gia đình nạn nhân không biết ai là người gây ra tai nạn nên đã kiện người cứu giúp nhưng cán bộ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông phải làm rõ người gây ra tai nạn”, vị đại diện Cục CSGT cho biết.
Vị này cho biết thêm, theo quy trình, cán bộ điều tra tai nạn phải thực hiện đầy đủ các bước như: lấy lời khai của những người liên quan, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm phương tiện, giám định chuyên môn, thu thập tài liệu vụ tai nạn giao thông… mới có thể đưa ra kết luận điều tra vụ tai nạn giao thông.
“Quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của lực lượng CSGT rất chặt chẽ, không có chuyện cứu giúp người bị tai nạn giao thông lại bị oan”, vị đại diện Cục CSGT nhấn mạnh.
Ngược lại, với các hành vi không cứu giúp người bị tai nạn giao thông có thể bị phạt tù.
Tại khoản 18 Điều 8, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định nghiêm cấm hành vi khi có điều kiện mà cố ý không cứu giúp người bị tai nạn giao thông. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu.
Đặc biệt, việc không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là hành vi phạm tội. Tại Điều 132 Bộ Luật hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, cụ thể như sau:
1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
– Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;
– Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.
3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết