Nhiều đại gia Việt có mức thu nhập “gây choáng”, lên tới gần tỷ đồng/tháng khiến nhiều người không khỏi ngưỡng mộ.
Mới đây, báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của Công ty Cổ phần (CTCP) Vincom Retail (mã: VRE) tiết lộ, lương thưởng, thù lao và các phúc lợi khác của bà Trần Mai Hoa – Tổng Giám đốc Vincom Retail năm 2022 là 11,7 tỷ đồng. Như vậy, tính trung bình, mỗi tháng trong năm 2022 bà Hoa được VRE trả 976 triệu đồng.
So với con số hơn 8,8 tỷ đồng của năm 2021, thu nhập của bà Hoa tại VRE năm qua tăng thêm 2,862 tỷ đồng.
Có mức thù lao cao ngất ngưởng lên tới 16,83 tỷ đồng/năm, tỷ phú Trần Đình Long của Tập đoàn Hoà Phát (HPG) cũng từng khiến dư luận choáng ngợp.
Cụ thể, trong năm 2021 các thành viên Hội đồng quản trị nhận tổng thù lao 117,8 tỷ đồng. Với tổng thù lao thành viên Hội đồng quản trị hơn 117,8 tỷ đồng, nếu chia bình quân cho 7 thành viên Hội đồng quản trị thì tỷ phú Trần Đình Long và mỗi thành viên Hội đồng quản trị của HPG sẽ nhận được mức thù lao 16,83 tỷ đồng/năm, tương ứng với khoản thù lao 1,4 tỷ đồng/tháng.
Trong báo cáo tài chính năm 2022 của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (mã chứng khoán: VNM) ghi nhận bà Mai Kiều Liên đảm nhận làm thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Với 2 cương vị chủ chốt của VNM, bà Liên ước nhận thù lao trong năm 2022 tổng cộng hơn gần 6,5 tỷ đồng. Trong đó, vài trò Thành viên HĐQT bà Liên nhận thù lao hơn 2 tỷ đồng, trong khi ở cương vị Tổng giám đốc bà nhận 366 triệu đồng/tháng. Tính trung ở hai cương vị, bà Liên mỗi tháng nhận hơn 538 triệu đồng.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 của Công ty cổ phần cơ điện lạnh REE (mã chứng khoán: REE), lương và thù lao của bà Nguyễn Thị Mai Thanh , Chủ tịch HĐQT được trả trong quý IV là 1,1 tỷ đồng, tương đương, mỗi tháng bà Thanh nhận trung bình 367 triệu đồng.
Trước đó, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng có mức lương đáng mơ ước khi đạt hơn 200 triệu đồng/tháng tại Vietjet.
Theo báo cáo hợp nhất quý III/2022, CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air) chi tổng lương, thù lao cho các thành viên HĐQT trong kỳ là 1,5 tỷ đồng; chi cho ban Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng là 3,5 tỷ đồng.
Trung bình, mỗi thành viên HĐQT Vietjet nhận lương và thù lao trung bình 101 triệu đồng/tháng/người; Ban Tổng giám đốc và Kế toán trưởng nhận trung bình 120 triệu đồng/tháng/người.
Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vừa là Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, vừa là Tổng giám đốc Vietjet. Như vậy, ước tính bà Thảo có thể nhận lương, thù lao trung bình khoảng 221 triệu đồng/tháng.
Trước đó, năm 2018, mức thu nhập từ công việc lãnh đạo của bà Thảo ước đạt gần 5,9 tỷ đồng, tương đương 489 triệu đồng/tháng.
Cụ thể, tại Vietjet Air – nơi bà Thảo đang là Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc, công ty này cho biết chi tổng cộng 31 tỷ đồng trả thù lao và lương cho Thành viên HĐQT, Ban giám đốc và Ban kiểm soát.
Mức thù lao của bà Thảo vì thế tương ứng khoảng 3,3 tỷ đồng chỉ từ Vietjet cho 2 vai trò lãnh đạo trong HĐQT và Ban giám đốc công ty.
Bà Thảo còn là Phó chủ tịch HĐQT tại HDBank. Các thành viên lãnh đạo trong HĐQT, BKS và Ban tổng giám đốc nhà băng này được chi trả tổng cộng 54 tỷ đồng thù lao, tương đương, mỗi vị trí lãnh đạo nhận khoảng 2,6 tỷ đồng thù lao.
Tính chung tại cả 2 doanh nghiệp, mức thu nhập từ công việc lãnh đạo của bà Thảo ước đạt gần 5,9 tỷ đồng, tương đương 489 triệu đồng/tháng.
Báo cáo của Vingroup cho biết trong năm 2018 cũng cho thấy, công ty đã chi ra tổng cộng gần 55,3 tỷ đồng tiền lương và thưởng cho các thành viên HĐQT và Ban giám đốc công ty.
Với 9 thành viên trong HĐQT và 6 thành viên trong Ban giám đốc, bình quân mỗi thành viên lãnh đạo của Vingroup trong năm nhận được gần 3,7 tỷ đồng thu nhập (gồm lương và thưởng).
Tính trung bình, mỗi nhân sự lãnh đạo cấp cao của tập đoàn bất động sản lớn này, bao gồm tỷ phú Phạm Nhật Vượng, nhận về thu nhập tương đương 307 triệu đồng/tháng.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết