Theo chuyên gia, thói quen chờ đợi triệu chứng mới đi khám khiến cho không ít bệnh nhân tới viện khi ung thư gan đã ở giai đoạn cuối.
Sút 10 kg, đi khám mới biết mắc ung thư
Không quan tâm tới việc thăm khám lá gan định kỳ, nhiều người Việt có thói quen “đợi” triệu chứng xuất hiện mới đi khám. Lúc này, bệnh đã nặng, khó điều trị.
Vẫn luôn cho mình có sức khỏe tốt, bác L.N.T (70 tuổi) gần như rất ít đau ốm. Bác T mỗi năm vẫn đi kiểm tra sức khỏe từ 1-2 lần. Tuy nhiên, 2 năm Covid-19 gần đây, do tuổi cao nên bác cũng không đi thăm khám sức khỏe định kỳ.
Đột nhiên, bác T bị sút 10 kg, ăn uống kém. Đi khám bác sĩ, bác T đã được chẩn đoán ung thư gan giai đoạn cuối. Người nhà bác T chia sẻ do trước giờ khỏe mạnh, không có bất cứ triệu chứng gì nên bác T cũng không nghĩ tới việc đi khám. Khi sút cân bất thường, bệnh nhân đi khám thì bệnh đã chuyển biến xấu.
PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, nguyên Trưởng Khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Bạch Mai, Phó Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam, Chuyên gia Gan mật (Bệnh viện Medlatec), cho biết theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B và C đã giảm. Tuy nhiên, những di chứng của viêm gan B, C để lại từ nhiều năm về trước khiến cho tỷ lệ ung thư gan tại Việt Nam ở mức cao.
PGS Ngọc từng gặp trường hợp bệnh nhân 30 tuổi đi kiểm tra sức khỏe, siêu âm và phát hiện khối u trong gan. Bệnh nhân làm các xét nghiệm chuyên sâu, được chuẩn đoán mắc ung thư gan trên nền viêm gan virus.
Trong quá trình tiếp đón bệnh nhân, bác sĩ Ngọc nhận thấy thường có 2 nhóm bệnh nhân. Thứ nhất, những người rất quan tâm tới các bệnh lý về gan và thường đi khám thường xuyên. Đây là một điều rất đáng mừng vì nhận thức của người dân đã được nâng cao. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có một số người ít quan tâm tới gan.
“Tôi đã từng tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân có xơ gan, thậm chí ung thư gan tới khám đã ở giai đoạn cuối. Do ung thư gan triệu chứng rất nghèo nàn, nếu đợi có triệu chứng mới đi khám thì bệnh đã nặng, thậm chí ung thư đã ở giai đoạn cuối”, PGS Ngọc phân tích.
Phát hiện sớm ung thư gan
Cũng theo Phó chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam, muốn phát hiện ung thư gan sớm thì cần phải phát hiện các bệnh lý về gan.
Ví dụ, người dân cần phải đi khám định kỳ để phát hiện có mang virus viêm gan hay không, có bị gan thoái hóa mỡ, viêm gan do rối loại chuyển hoá… hay không.
Trên thực tế, rất nhiều người Việt khi phát hiện xơ gan mới biết mình có virus viêm gan B. Trường hợp có viêm gan virus cần phải theo dõi chuyên khoa truyền nhiễm để điều trị kịp thời.
“Một số dấu hiệu cảnh báo mắc bệnh lý về gan cần lưu tâm tới là hơi đau hạ sườn, nước tiểu màu vàng, thường xuyên bị dị ứng. Tuy nhiên, muốn biết chính xác gan đang có tổn thương hay không thì cần phải làm xét nghiệm và siêu âm gan”, PGS Ngọc nói.
Theo chuyên gia, cách tốt nhất để phát hiện sớm ung thư gan là khám sức khỏe định kỳ, siêu âm gan 6 tháng/lần, đặc biệt là những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như xơ gan, viêm gan mạn tính do rượu, viêm gan virus B, C,…
Phòng ngừa bệnh lý về gan
Ngoài đi khám định kỳ, Phó chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam khuyến cáo người dân có chế độ ăn hợp lý để giảm nguy cơ mắc bệnh lý về gan, ung thư gan.
Theo đó, mọi người không nên ăn quá nhiều thịt, đồ chiên rán… vì chúng có thể gây tổn thương gan. Những tổn thương gan này không được phát hiện và điều trị thì lâu ngày có thể dẫn tới việc xuất hiện các tế bào bất thường.
Người dân cần đặc biệt chú ý tới việc tiêm vắc xin phòng viêm gan A, B, tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại dễ làm tổn thương gan. Trong trường hợp nghi ngờ mắc ung thư gan, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu, chụp cắt lớp, sinh thiết gan… để đưa ra kết luận chính xác.
Ung thư gan ở giai đoạn đầu thường rất khó phát hiện. Ở giai đoạn sớm, bệnh có thể có các triệu chứng của viêm gan mạn tính hoặc xơ gan tiến triển:
– Chán ăn
– Đau, nặng tức vùng hạ sườn phải
– Chướng bụng
– Vàng da, vàng củng mạc mắt
Các triệu chứng ở giai đoạn muộn sẽ rõ ràng hơn, hoặc xuất hiện thêm các biến chứng của bệnh:
– Sụt cân không rõ nguyên nhân
– Buồn nôn, nôn, mệt mỏi, chán ăn
– Luôn có cảm giác ngứa
– Đau, nặng tức vùng hạ sườn phải
– Đi ngoài phân trắng/bạc màu
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết