Trầm cảm là một trong những bệnh về rối loạn tâm thần phổ biến nhất trên thế giới. Đặc biệt, với lứa tuổi dậy thì, chỉ vài biểu hiện bất thường, thay đổi không tích cực cũng có thể là nguyên nhân của căn bệnh trầm cảm.
90% nguyên nhân trẻ tự tử là do các bệnh lý về tâm thần
Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các sự việc học sinh tự tử, thậm chí liên tiếp hai ngày 31/3 và 1/4 đều xảy ra sự việc đau lòng. Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Thiều Thị Huyền Nhung – Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương chỉ ra rằng, không chỉ trong nước mà trên thế giới, tỉ lệ trẻ vị thành niên tự tử rất cao.
Tại Việt Nam, chưa có thống kê cụ thể về tỉ lệ trẻ vị thành niên tự tử chiếm bao nhiêu % trong số các nguyên nhân gây tử vong tại lứa tuổi này. Thế nhưng, theo 1 nghiên cứu tại Úc, chỉ số này chiếm đến 20% trong tổng số ca tử vong ở lứa tuổi vị thành niên.
“Đây là điều đáng phải suy nghĩ” – bác sĩ Nhung nói, đồng thời chia sẻ: “Tỉ lệ trẻ vị thành niên tự tử cao hơn so với người lớn. Đặc biệt là nam nhiều hơn nữ do đặc điểm về tâm sinh lí của 2 giới tính khác nhau. Về nguyên nhân tự tử của trẻ vị thành niên, 90% là do các bệnh lí về tâm thần. Trong đó, trầm cảm nội sinh đứng đầu bảng”.
Theo bác sĩ Nhung, đã có rất nhiều kết luận, con số cho thấy gia tăng tỉ lệ lo âu trầm cảm do tác động của dịch COVID-19. Nguyên nhân có thể do sự cách li xã hội kéo dài, trẻ không được đến trường, thiếu giao tiếp với thầy cô, bạn bè, lo sợ về dịch bệnh, sự mất mát người thân,… Hầu hết những yếu tố kể trên có thể là nguyên nhân khởi phát bệnh trầm cảm ở lứa tuổi vị thành niên.
Những hành vi nhận biết trẻ bị trầm cảm
Theo bác sĩ Nhung, trẻ có rất nhiều biểu hiện trầm cảm và phụ huynh hoàn toàn có thể nhận diện qua các hành vi khác lạ của con như như thay đổi cách ăn uống, rối loạn giấc ngủ, trốn tránh bạn bè, gia đình, bỏ những thói quen thường nhật, có hành động bạo lực, đập phá, đánh nhau, không kiềm chế được cảm xúc, hành động, cẩu thả trong cách ăn mặc, thay đổi cá tính một cách bất ngờ, thường xuyên chán nản, không thể tập trung, từ chối không đi học, mất hào hứng về những thú vui cá nhân…
“Trẻ học không tập trung, sa sút trong học tập là cách thể hiện đầu tiên của rối loạn tâm lí dẫn đến trầm cảm ở lứa tuổi vị thành niên. Đây cũng chính là lý do gây mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái. Vì bố mẹ rất kỳ vọng vào việc học của con. Con lơ đãng, con không tập trung học, bố mẹ sẽ quy chụp, cho rằng con xao nhãng, yêu đương, không chú tâm học… Chính mâu thuẫn, xung đột này có thể là lý do khởi phát bệnh trầm cảm.
Chính vì vậy, khi con xao nhãng học, bố mẹ phải tìm hiểu kỹ, con gặp vấn đề gì. Tìm nguyên nhân còn quan trọng hơn lời chửi mắng, chỉ trích, áp đặt những suy nghĩ của người lớn lên con trẻ” – bác sĩ Nhung nhấn mạnh.
Dưới kinh nghiệm và chuyên môn nghề nghiệp, bác sĩ Nhung nhận định, trẻ vị thành niên có nhiều thay đổi trong tâm lý. Ở thời điểm này, nhiều em có những hành động chống đối, thay đổi tính cách, cáu giận. Thế nhưng, thay đổi trong bệnh trầm cảm thể hiện rõ nét, bố mẹ có thể không nhận ra con mình, dường như con trở thành người khác.
“Thông thường trẻ mắc trầm cảm và mang ý định tự tử thường có những hành vi nhất định và nếu bố mẹ để ý rất dễ nhận biết. Ví dụ con nói những câu như: bố mẹ tốt hơn khi không có con; con muốn chết; con muốn đi ngủ và không bao giờ tỉnh lại; cuộc sống này thật không đáng sống, ước gì con biến mất mãi mãi…
Khi thoáng nghe con nói những câu đó, hoặc thấy con ghi chép ra sổ sách, vở học… bố mẹ phải tỉnh và nhạy bén, cảnh giác bởi đây là hành vi cấp báo cho thấy trẻ có ý định từ bỏ mạng sống của mình. Ngay khi phát hiện con có những biểu hiện trên, bố mẹ cần tìm tới sự trợ giúp của các chuyên gia y tế để giúp đỡ con, tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra” – bác sĩ Nhung phân tích và nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, bác sĩ Thiều Thị Huyền Nhung – Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng khuyên bố mẹ nên chú trọng đến sức khỏe của chính bản thân mình, bảo đảm sức khỏe tâm thần ổn định để có thể đồng hành cùng con. Đặc biệt, học cách lắng nghe và thấu hiểu trẻ.
Lifehub tổng hợp