Cơ quan Năng lượng Quốc tế đánh giá Nga là một gã khổng lồ trên thị trường khí đốt tự nhiên.
Một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ lớn
Theo tờ Thông tin Năng lượng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Nga là nước đóng vai trò quan trọng trong thị trường năng lượng toàn cầu. Đây là một trong ba nhà sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới, cạnh tranh vị trí đầu bảng với Ả Rập Xê-út và Mỹ. Nga chủ yếu dựa vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, năm 2021, con số này chiếm 45% ngân sách quốc gia.
Năm 2021, sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ của Nga đạt 10,5 triệu thùng/ngày, chiếm 14% tổng nguồn cung của thế giới. Nga có hệ thống sản xuất dầu thô và khí đốt trên khắp cả nước nhưng phần lớn các mỏ của nước này tập trung ở phía tây và đông Siberia. Năm 2021, ước tính xuất khẩu dầu thô của Nga đạt khoảng 4,7 triệu thùng/ngày dầu. Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Nga (1,6 triệu thùng/ngày) nhưng Nga cũng xuất khẩu một khối lượng đáng kể cho các khách hàng ở châu Âu (2,4 triệu thùng/ngày).
Nga sản xuất nhiều loại dầu thô khác nhau, trong đó dầu thô xuất khẩu chính là Urals, một loại dầu nặng trung bình. Moscow cũng xuất khẩu một lượng lớn dầu thô hỗn hợp ESPO sang châu Á, thông qua đường ống Đông Siberia-Thái Bình Dương. Các loại dầu khác bao gồm Siberian light, Sokol, Sakhalin blend, Arctic and Novy Port.
Trong khi ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga đã chứng kiến một giai đoạn hợp nhất trong những năm gần đây thì một số công ty lớn vẫn còn chỗ đứng. Rosneft, thuộc sở hữu nhà nước, là nhà sản xuất dầu thô lớn nhất ở Nga. Tiếp theo là LUKOIL, công ty dầu khí tư nhân lớn nhất nước này. Gazprom Neft, Surgutneftegaz, Tatneft và Russneft cũng là những tập đoàn sản xuất và tinh chế dầu lớn.
Nga có hệ thống đường ống xuất khẩu dầu thô trải khắp, cho phép nước này vận chuyển khối lượng lớn dầu trực tiếp đến châu Âu cũng như châu Á. Hệ thống đường ống Druzhba dài khoảng 5.500 km, mạng lưới đường ống dài nhất thế giới, vận chuyển trực tiếp 750.000 thùng/ngày đến các nhà máy lọc dầu ở Đông và Trung Âu. Hiện tại, Nga cung cấp khoảng 20% tổng lượng dầu thô thông qua đường ống này tới các nhà máy lọc dầu của châu Âu.
Năm 2012, Nga đã cho đi vào hoạt động đường ống ESPO dài 4.740 km, đạt 1,6 triệu thùng/ngày, đưa dầu thô trực tiếp đến các thị trường châu Á như Trung Quốc và Nhật Bản. Đường ống này là một phần trong chiến lược xoay trục năng lượng chung của Nga sang châu Á, một chiến lược tập trung vào việc tránh phụ thuộc xuất khẩu sang châu Âu và tận dụng nhu cầu dầu thô ngày càng tăng của châu Á. Nga cũng vận chuyển dầu thô bằng tàu chở dầu từ các cảng phía Tây Bắc như Ust-Luga và Primorsk, cũng như cảng Novorossiysk ở biển Đen và Kozmino ở Viễn Đông. Ngoài ra, Nga cũng xuất khẩu dầu thô bằng đường sắt.
Nga có hệ thống công suất lọc dầu ước tính khoảng 6,9 triệu thùng/ngày và sản xuất một lượng đáng kể các sản phẩm dầu như xăng và dầu diesel. Các công ty Nga đã dành cả thập kỷ vừa qua để đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống công suất lọc dầu sơ cấp và thứ cấp nhằm tận dụng ưu đãi thuế của chính phủ, cũng như nhu cầu dầu diesel toàn cầu ngày càng tăng.
Chiến lược năng lượng của Nga là ưu tiên việc tự cung tự cấp xăng dầu, vì vậy nước này có xu hướng xuất khẩu với khối lượng tối thiểu. Tuy nhiên, các nhà máy lọc dầu của Nga đã sản xuất gần gấp đôi lượng dầu diesel cần thiết để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu một nửa sản lượng hàng năm, phần lớn trong số đó sang các thị trường châu Âu.
Ngoài ra, Nga còn là nhà xuất khẩu lớn về xăng chân không và dầu nhiên liệu nặng. Năm 2021, các nhà máy lọc dầu của Nga sản xuất 5,6 triệu thùng dầu thô mỗi ngày và xuất khẩu 2,8 triệu thùng/ngày. Châu Âu vẫn là thị trường chính cho các sản phẩm dầu của Nga. Năm 2021, Nga xuất khẩu 750.000 thùng dầu diesel sang châu Âu mỗi ngày, đáp ứng 10% nhu cầu lục địa già.
Một gã khổng lồ trên thị trường khí đốt tự nhiên
Nga là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ và có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới. Nga cũng là nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới. Năm 2021, quốc gia này sản xuất 762 tỷ mét khối khí tự nhiên và xuất khẩu khoảng 210 tỷ mét khối.
Gazprom và Novatek là hai nhà sản xuất khí đốt chính của Nga, nhưng nhiều công ty dầu khí của Nga, bao gồm cả Rosneft, cũng vận hành các cơ sở sản xuất khí đốt. Gazprom, thuộc sở hữu nhà nước, là nhà sản xuất khí đốt lớn nhất, nhưng thị phần sản xuất của tập đoàn này đã giảm trong những năm qua, do Novatek và Rosneft đã mở rộng năng lực sản xuất. Tuy nhiên, Gazprom vẫn chiếm 68% sản lượng khí đốt của Nga trong năm 2021.
Về mặt lịch sử, hoạt động sản xuất khí đốt ban đầu tập trung ở Tây Siberia nhưng hiện Nga đã đầu tư sang cả khu vực Yamal, Đông Siberia và Viễn Đông, cũng như ngoài khơi Bắc Cực.
Nga sở hữu mạng lưới đường ống xuất khẩu khí đốt rộng khắp, với các tuyến đường trung chuyển qua Belarus và Ukraine, cũng như đường ống dẫn khí đốt trực tiếp vào châu Âu (bao gồm Nord Stream, Blue Stream và TurkStream).
Vào năm 2021, khí đốt tự nhiên của Nga chiếm 45% sản lượng nhập khẩu và gần 40% nhu cầu khí đốt của Liên minh châu Âu. Tỷ trọng này đã tăng lên trong những năm gần đây do sản lượng khí đốt tự nhiên khai thác trong nước của châu Âu giảm. Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Ý là những nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất của Nga.
Vào cuối năm 2019, Nga đã khởi động một đường ống xuất khẩu khí đốt lớn về phía đông, đường ống Power of Siberia dài khoảng 3.000 km, với công suất 38 tỷ mét khối, có thể vận chuyển khí đốt sang Trung Quốc. Vào năm 2021, Gazprom đã xuất khẩu hơn 10 tỷ mét khối khí tự nhiên thông qua đường ống Power of Siberia-2, và sản lượng xuất khẩu dự kiến sẽ tăng dần lên 38 tỷ mét khối trong những năm tới. Nga đang tìm cách phát triển đường ống Power of Siberia-2, với công suất 50 tỷ mét khối/năm.
Ngoài ra, Nga đã và đang mở rộng công suất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), để cạnh tranh với xuất khẩu LNG ngày càng tăng từ Mỹ, Úc và Qatar. Năm 2021, Moscow đưa ra kế hoạch phát triển LNG dài hạn, đặt mục tiêu xuất khẩu 110-190 tỷ/năm vào năm 2025. Năm 2021, Nga xuất khẩu 40 tỷ mét khối LNG, trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn thứ 4 thế giới và chiếm khoảng 8 % nguồn cung LNG toàn cầu.
Trong những năm gần đây, Nga ngày càng tập trung vào Bắc Cực như một cách để tăng sản lượng dầu khí và bù đắp sự sụt giảm tại các cơ sở sản xuất hiện tại. Bắc Cực chiếm hơn 80% sản lượng khí đốt tự nhiên và khoảng 20% sản lượng dầu thô của Nga.
Trong khi biến đổi khí hậu đe dọa các dự án trong tương lai ở khu vực này, thì nó cũng mang lại cho Nga cơ hội tăng cường tiếp cận các tuyến thương mại ở Bắc Cực, cho phép Mosocw linh hoạt hơn nữa đối với việc vận chuyển nhiên liệu hóa thạch bằng đường biển, đặc biệt là đến châu Á.
Lifehub tổng hợp