Dạo gần đây, sau khi đã chính thức “bước chân vào thị trường lao động”, mình đã luôn nghĩ rằng: “Giá mà thời sinh viên mình tìm được một Mentor cho bản thân”.
Vì vậy, bài này mình tóm tắt lại những điều bản thân rút ra được khi nói chuyện cùng bạn bè và từ kinh nghiệm hơn 1 tháng đi làm của chính mình. Mình sẽ rất vui nếu như những điều bé nhỏ này có thể trở thành lời khuyên cho một ai đó.
1. Thành tích học tập tại trường Đại học RẤT QUAN TRỌNG
Thứ nhất, nếu bất chợt ở một thời điểm nào đó trong tương lai bạn muốn du học (đúng chuyên ngành), thì thật sự rất cần một cái bảng điểm tử tế.
Có thể là bạn không có ý định đó ở ngay thời điểm hiện tại đâu. NHƯNG, có rất nhiều bạn bè, anh chị em của mình đi làm một vài năm rồi mới nảy sinh ý định đi du học để trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài. Vì vậy, hãy nghĩ xa hơn và “trải” một con đường dự phòng cho tương lai của mình khi còn có thể.
Còn nếu bạn cho rằng rằng kể cả đi du học thì thành tích ngoại khoá, kinh nghiệm sống, kỹ năng mềm… cũng được coi trọng hơn; thì mình có thể đưa ra một ngoại lệ mình biết rõ nhất, đó là Nhật Bản. Đúng vậy, Nhật Bản (nhìn chung) là một đất nước coi trọng bằng cấp.
Thứ hai, để có nhiều lựa chọn (tốt) hơn cho công việc.
Nếu bạn xác định làm trái ngành, vui lòng bỏ qua giúp mình.
Nếu bạn xác định tự mình làm chủ, mở doanh nghiệp riêng (chẳng hạn tốt nghiệp Đại học Luật HN rồi mở quán bún đậu gì đó như bài báo năm nào có đưa tin, v.v…), thì cũng vui lòng bỏ qua.
Nếu bạn cảm thấy mình có tư chất của một thiên tài như Bill Gates hay Steve Jobs hay Mark Zuckerberg…, thì bỏ học Đại học cũng ok nên cũng không cần đọc tiếp nha.
Nếu bạn là nữ và xác định “lấy một anh chồng giàu, sống một cuộc đời bên ngoài xinh đẹp bên trong nhiều tiền” và không cần tập trung phát triển sự nghiệp quá nhiều, thì cũng không phải là đối tượng bài viết của mình hướng tới.
Còn nếu bạn hiểu mình không thuộc về những nhóm kể trên, thì tốt hơn hết đừng tin vào những câu như “Dăm ba cái bảng điểm chỉ là thứ yếu. Kỹ năng mềm, kinh nghiệm, blabla mới là thứ quan trọng.” Cuộc đời có thể đi vào bế tắc luôn được vậy!
Bởi lẽ, khi bạn vừa mới chân ướt chân ráo ra trường, kinh nghiệm chưa có, người ta không có căn cứ gì để đánh giá bạn trừ CV và bảng điểm Đại học cả. Cầm hồ sơ đi xin việc chính là giây phút giúp mình nhận ra rằng 1 chiếc bảng điểm đẹp quan trọng đến nhường nào!
Có một sự thực là, những công ty tốt nằm top đầu, thường sẽ lọc và chọn lại những người có bằng tốt nghiệp loại Giỏi. Kể cả bạn có ý định thi công chức, viên chức (mình đang nói đến phái thực lực không quan hệ, không COCC), thì cơ quan nhà nước cũng khó lòng mà chấp nhận một cái bảng điểm be bét hết cả.
Thêm vào đó, ngoài kỹ năng mềm, blabla ra, thì có những ngành thật-sự-cần-kiến-thức-nền-tảng (Kế toán, kiểm toán, và như mình làm là Luật…).
2. Hãy theo đuổi công việc liên quan tới chuyên ngành học
Ngay tại thời điểm làm trái ngành, 4 năm (hoặc hơn) học Đại học đã trở thành sự lãng phí (không phải hoàn toàn) về thời gian và tiền bạc rồi.
Mình cũng biết nhiều người làm trái ngành, sau đó vài năm thấy nhớ nghề, thấy tiếc nuối, lại loay hoay quay lại tìm công việc liên quan tới chuyên ngành của mình. Mà như thế thì thật sự vô cùng “cồng kềnh”. Mình là một người lười vô cùng lười nên ghét cái gì lòng vòng như vậy.
Vì vậy, nếu cảm thấy mình thật sự có thể theo đuổi được, hãy đi đúng chuyên ngành ngay từ đầu! Lương khởi điểm có thể thấp, nhưng hãy nghĩ về lâu dài. (Còn nếu nghĩ về lâu dài mà thấy vẫn thấp thì thôi bỏ học Đại học luôn đi cũng được rồi Lương công nhân ở quê không cần bằng Cao đẳng, Đại học bây giờ đâu đó cũng đã 7-8tr.)
3. Combo kinh điển: Kiến thức chuyên ngành + Ngoại ngữ = Một mức lương tốt
Đúng vậy. Nếu bạn đang học chuyên ngành ngoại ngữ và cảm thấy còn dư thừa thời gian, hãy học thêm một chuyên ngành khác. Nếu bạn đang học một chuyên ngành khác rồi, thì hãy học thêm để trau dồi thêm ngoại ngữ.
Mình nói điều này không có nghĩa là chỉ có 1 chuyên ngành trong tay thì lương sẽ thấp. Có những người mình biết chỉ giỏi một thứ thôi nhưng lương vẫn rất ổn và cuộc đời vẫn êm đềm, NHƯNG, nếu có trong tay cả 2, xác suất bạn tìm được một công việc mức lương tốt sẽ CAO hơn.
4. Thời sinh viên, hãy tham gia một vài câu lạc bộ
Thứ nhất, việc câu lạc bộ làm bạn trở thành một con người năng động hơn là chuyện không cần bàn quá nhiều nữa rồi.
Thứ hai, câu lạc bộ là nơi tập hợp những người chung sở thích, chuyên ngành học, quan điểm sống,… vì thế mà bạn có nhiều cơ hội để trò chuyện, trao đổi, tìm lời khuyên cho học tập, công việc. À, mình nhấn mạnh là hãy trao đổi về HỌC TẬP, CÔNG VIỆC nhé. Đối với mình, mấy câu chuyện vô thưởng vô phạt về phim ảnh, âm nhạc,… thật sự rất tốn thời gian.
Thứ ba, sau này biết đâu từ những network đó, bạn có thể phát triển thêm nhiều network mới và là cơ hội để tìm kiếm người bạn đời của mình. Vì một khi đã đi làm rồi, trừ khi công ty bạn quy mô lớn nhiều nhân sự (khác giới) ra, thật sự rất khó để có được cơ hội gặp gỡ người khác. Một người có sự nghiệp vững vàng thì khả năng ế và sống một cuộc đời độc thân thường rất cao là bởi vậy.
5. Hãy đi thực tập từ năm 2, năm 3
Nghỉ hè năm 2, năm 3, đừng về quê; cũng đừng đi làm thêm (trái ngành- cái này đọc thêm tại phần Disclaimer mình viết ở cuối) để kiếm thêm dăm ba đồng bạc cắc làm gì cả. Hãy đi thực tập!
Và cũng đừng yêu cầu người ta trả tiền cho việc bạn đi thực tập (Dĩ nhiên, được trả lương hoặc một chút ít hỗ trợ đi lại vẫn tốt hơn cả!), vì khi đi thực tập bạn là người cần người ta để học hỏi và khám phá chứ người ta không cần bạn. Hãy tìm hình hài công việc trong tương lai bạn sẽ làm. Hãy tìm tới các đàn anh/ đàn chị có kinh nghiệm làm việc lâu năm. Họ sẽ cho bạn được một bức tranh toàn cảnh rộng lớn để bạn có thêm cơ số định hướng cho tương lai của mình sau này.
Bạn biết vì sao xuất hiện tình trạng “làm trái ngành” không? Một trong những nguyên nhân ở đây là do người ta không biết mình sẽ làm gì nếu làm đúng ngành. Không biết về triển vọng trong tương lai nên hễ thấy lương khởi điểm ban đầu thấp là đã thấy bế tắc, mù mịt. Kết quả của việc này là họ quyết định chọn một công việc có mức lương khởi điểm cao hơn, và rẽ cuộc đời mình theo một hướng hoàn toàn khác.
Vậy thì phải làm thế nào?
Phải tìm người làm đúng ngành (giỏi thì càng tốt) mà hỏi. 1 người có thể đưa ra cho bạn 2, 3 ý tưởng. Và nếu bạn tiếp xúc với 10 người, là bạn có vài chục ý tưởng trong tay rồi. Như thế so với bạn bè khác chẳng phải là khác biệt rồi sao?
6. Cơ hội việc làm tại một công ty tốt, đúng chuyên ngành, lương cao không thiếu
Đúng vậy! Những công ty có sếp tốt, môi trường thân thiện, đồng nghiệp không toxic, đãi ngộ tốt, không thiếu.
Nhưng, dĩ nhiên là cái gì tốt thì sẽ không nhiều. Vậy nên, vấn đề đầu tiên ở đây là bạn có đủ xuất sắc và xứng đáng để được tuyển dụng vào một công ty như vậy hay không.
Và thứ hai, vào được đó rồi thì bạn có đủ hi sinh và khả năng chịu áp lực tốt để theo đuổi nó lâu dài hay không. Bởi vì mình biết, những người làm việc trong đó phải đánh đổi thời gian, sức khoẻ, các mối quan hệ cá nhân… rất rất nhiều.
“Muốn ngồi ở một vị trí không ai ngồi được thì phải chịu những cảm giác không ai chịu được”.
Bài viết: Tiểu Ngoan
LifeHub