Bước chân vào thế giới của nghệ thuật cao cấp, trải ngghiệm cái đẹp và những tinh hoa văn hóa chính là một cách để vừa mở rộng chân trời kiến thức bản thân, vừa là thưởng thức “món ăn” cho thế giới tinh thần của bạn.
Như thế nào mới thực sự là du lịch? Là chụp đủ ảnh check-in tại những địa điểm nổi tiếng trên mạng xã hội, ăn những món ngon được giới thiệu hay trò chuyện, tìm hiểu đời sống của người dân bản xứ? Có lẽ như vậy vẫn là chưa đủ. Muốn khám phá và “chạm vào” linh hồn của một vùng đất không chỉ ở hiện tại mà cả trong quá khứ, chúng ta đừng quên dành thời gian tới thăm những công trình văn hóa.
Nghệ thuật, nhất là những hình thức như kịch, nhạc giao hưởng, opera, múa ballet, hòa nhạc,… hay thói quen đi viện bảo tàng đang dần trở nên quen thuộc với những người trẻ Việt Nam. Đừng quên bất kỳ một thành phố hoặc điểm đến nào cũng có những công trình văn hóa khác nhau như nhà hát, rạp kịch, viện bảo tàng,… Rất nhiều trong số đó đã trở thành biểu tượng của thành phố, và đôi khi là cả đất nước.
Bước chân vào thế giới của nghệ thuật cao cấp, trải nghiệm cái đẹp và những tinh hoa văn hóa chính là một cách để vừa mở rộng chân trời kiến thức bản thân, vừa là thưởng thức “món ăn” cho thế giới tinh thần của bạn. Có rất rất nhiều du khách sẵn sàng bỏ số tiền khổng lồ bay hàng ngàn cây số để không chỉ khám phá vùng đất mới, mà còn thưởng lãm những công trình văn hóa sau, còn bạn thì sao?
Nhà hát Opera Sydney (Sydney, Úc)
Năm 1956, Chính phủ Australia tổ chức cuộc thi thiết kế nhà hát opera quốc gia. Trong số 233 tác phẩm dự thi, ít ai ngờ thiết kế của Jorn Utzon – một kiến trúc sư vô danh người Đan Mạch lại giành chiến thắng. Thiết kế mái vòm cong hình vỏ sò của ông đã vượt khỏi công thức những tòa nhà hình hộp đã quá nhàm chán và đây cũng là lý do giúp Utzon trúng giải. Rạp hát hoành tráng mất gần 2 thập kỷ mới hoàn thành này đã không chỉ thay đổi sự nghiệp của bản thân Utzon, mà còn thay đổi cả Sydney lẫn nước Úc.
Bruce Barnett – hướng dẫn viên du lịch của Nhà hát Opera Sydney từng tự hào chia sẻ với đài CNN: “Tòa nhà này rất quan trọng và nó đã làm thay đổi một quốc gia. Kể từ ngày có rạp hát, bỗng nhiên Australia lại nổi tiếng trên bản đồ thế giới. Thế giới bắt đầu hiểu người Úc chúng tôi không chỉ ăn uống, tới các bãi biển và lướt sóng, uống bia – chúng tôi cũng có cả văn hóa”.
Nhà hát Con Sò giờ đây đã trở thành trung tâm của thành phố Sydney. Khu vực xung quanh nhà hát là bến cảng Sydney cũng trở thành nơi tụ tập của người dân trong các dịp quan trọng như đêm giao thừa. Trung bình, có tới 11 triệu du khách tới thăm nhà hát mỗi năm, đem lại nguồn doanh thu du lịch khổng lồ cho thành phố.
Bảo tàng Louvre (Paris, Pháp)
Không phải tự nhiên mà mọi người gọi Louvre là bảo tàng nổi tiếng nhất thế giới. Nó mang giá trị cả về mặt lịch sử, văn hóa lẫn du lịch to lớn đối với nước Pháp. Vốn được xây dựng trên nền một pháo đài có từ năm 1190, qua nhiều lần đại tu, cung điện Louvre trở thành viện bảo tàng quốc gia từ thế kỷ 20.
Nếu là một người đam mê khám phá, du lịch thực thụ, đừng chỉ check-in ở Kim Tự Tháp kính bên ngoài sân bảo tàng. Hãy bỏ tiền mua vé để bước chân vào bên trong Cung điện Louvre – nơi lưu giữ hơn 380.000 hiện vật, với hàng loạt hiện vật có giá trị không chỉ của nước Pháp mà của toàn thế giới, bao gồm cả Phương Đông, Ai Cập, Hy Lạp, La Mã,… Bước vào Louvre, du khách như bước vào “mê cung của văn hóa”.
Đây chính là nơi đang lưu giữ bức tranh Nàng Mona Lisa huyền thoại của Leonardo da Vinci. Chưa hết, Tượng thần chiến thắng Samothrace (Nike of Samothrace) có từ năm 190 trước Công nguyên – tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất thế giới cũng nằm trong Lourve. Một số kiệt tác khác bạn cũng nên xếp hàng để chiêm ngưỡng phải kể đến: tranh Chiếc bè của Medusa (Raft of the Medusa), tranh Cái chết của Sardanapalus (Death of Sardanapalus), tượng thần Vệ Nữ thành Milo từ thời Hy Lạp cổ đại,…
Năm 2018, bảo tàng lập kỷ lục chưa từng có tiền lệ khi trở thành bảo tàng đầu tiên đón hơn 10 triệu lượt khách/năm.
Nhà hát Opéra Garnier (Paris, Pháp)
Paris hoa lệ thu hút, hấp dẫn, khiến du khách năm châu ao ước được đặt chân tới đến vậy phần nhiều là nhờ những công trình kiến trúc đẹp mê mẩn. Muốn biết tinh hoa kiến trúc Pháp lộng lẫy đến đâu, chỉ cần đặt chân vào Nhà hát Opéra Garnier (hay Palais Garnier) – công trình xa hoa nhất của “kinh đô ánh sáng”. Chính Nhà Hát Lớn của Hà Nội cũng được xây dựng mô phỏng theo Opéra Garnier. Nó còn nổi tiếng vì là công trình trong cuốn tiểu thuyết lừng danh Bóng ma trong nhà hát (1910) của Gaston Leroux. Trên khắp thế giới, nhà hát có đến gần chục bản “cải biên” thu nhỏ.
Là một kiệt tác kiến trúc, Opéra Garnier được xây dựng theo phong cách Haussmann. Hiện trạng công trình vẫn được bảo quản tốt sau hơn 150 năm xây dựng nên giữ trọn vẹn màu sắc của thời đại thế kỷ 19.
Kể từ khi đi vào hoạt động, nhà hát Opéra Garnier đã trở thành tụ điểm văn hóa của giới thượng lưu thủ đô Paris. Ngày nay, nó vẫn tiếp tục đóng vai trò như một không gian văn hóa quan trọng của nghệ thuật, âm nhạc Pháp. Chẳng kém cạnh gì các địa danh khác, Opéra Garnier cũng đón gần triệu du khách tham quan mỗi năm.
Hằng năm, những buổi biểu diễn opera quan trọng nhất của những nghệ sĩ bậc thầy vẫn diễn ra tại Opéra Garnier. Nếu diễn viên có Broadway làm sân khấu mơ ước thì tương tự, các vũ công ballet, diễn viên nhạc kịch cũng khao khát một lần được trình diễn trên sân khấu của nhà hát cổ tích giữa lòng Paris này.
Nhà hát Broadway (New York, Mỹ)
Ngay cả khi đã đạt giải Oscar, không phải diễn viên nào cũng có vinh dự được đứng trên sân khấu kịch Broadway. Broadway là tên con phố dài nhất của New York thuộc quận Manhattan. Đó cũng là tên của cái mà người Mỹ gọi là “miền đất hứa nhạc kịch”, “đỉnh cao kịch nghệ”.
Sự xuất hiện của hệ thống rạp hát này vào đầu thế kỷ 20 đã mở ra cả một “triều đại” kịch phát triển cực thịnh. Ngay cả khi các bộ phim Hollywood hiện tại có rầm rộ như thế nào, kịch Broadway vẫn có chỗ đứng riêng và được coi là khao khát chinh phục của mọi diễn viên thực thụ.
Những vở nhạc kịch Broadway nổi danh nhất và có doanh thu cao nhất phải kể tên: The Lion King (Vua Sư tử), The Phantom of the Opera (Bóng ma trong nhà hát), Mamma Mia!, Beauty and the Beast (Người đẹp và Quái vật), Chicago,…
Nhà hát Teatro alla Scala (Milan, Ý)
Teatro alla Scala, hay Nhà hát Opera La Scala là thánh địa của những người thích xem kịch và nghe nhạc opera trên toàn thế giới. La Scala, có nghĩa là “nhà hát ở cầu thang” được xây dựng vào năm 1778 và sau hơn 200 năm vẫn là rạp hát nổi danh, thu hút khách bậc nhất đất nước hình chiếc ủng.
Tương tự như nhiều công trình của thế kỷ 18, nhà hát có kiến trúc tân cổ điển đặc trưng. La Scala đẹp và sang trọng trong từng chi tiết. Để có cơ hội thưởng thức các vở opera tại đây không hề dễ vì quá khó săn vé và giá thì chỉ dành cho giới thượng lưu. Tuy vậy, du khách vẫn có thể vào bên trong tham quan khu vực bảo tàng trưng bày của La Scala và ngắm nhìn nội thất đậm chất hoàng gia.
Nhà hát đã tổ chức những vở opera nổi tiếng nhất thế giới kể từ năm 1778 và được công nhận ở tầm quốc tế về thiết kế lẫn âm thanh. Nơi đây được khánh thành bằng vở opera của nhà soạn nhạc Antonio Salieri – kỳ phục địch thủ số 1 của Mozart thời bấy giờ. Paganini – nghệ sĩ violon vĩ đại hàng đầu trong lịch sử cũng thực hiện buổi diễn cá nhân đầu tiên ở La Scala. Vũ công Carla Fracci – huyền thoại làng múa ballet cũng từng gắn bó với nhà hát suốt hàng chục năm sự nghiệp của mình.
Bảo tàng Guggenheim (Bilbao, Tây Ban Nha)
Bảo tàng Guggenheim được bầu chọn là công trình kiến trúc sáng tạo nổi bật nhất thế kỷ 20. Địa điểm này nổi tiếng trên bản đồ du lịch đến mức trước khi có Guggenheim, thế giới dường như không ai biết đến tên Bilbao. Sau khi có Guggenheim, thành phố chỉ có vỏn vẹn 350.000 dân đón tới cả triệu lượt khách du lịch hằng năm. Nhìn từ bên ngoài, sự phản chiếu của ánh sáng mặt trời từ các góc nhìn khác nhau sẽ tạo nên các chuyển động không ngừng của các đường cong trên công trình, khiến Guggenheim như thể đang di chuyển.
Khi mới được lên kế hoạch xây dựng năm 1997, cư dân Bilbao đã kịch liệt phản đối dự án làm bảo tàng tốn kém trong khi tình hình kinh tế đang xuống dốc. Thế nhưng chính quyền thành phố vẫn nhất quyết theo đuổi dự án với tham vọng xây dựng được một “Nhà hát Con Sò của Tây Ban Nha” để biến nơi đây thành địa điểm du lịch. Kiến trúc sư của công trình – Frank O’ Gehry cảm thấy áp lực rất lớn và đã nhiều lần muốn từ bỏ.
Thế nhưng kết quả sau đó cho thấy chính quyền đã đúng. Từ thành phố công nghiệp đang “chết dần chết mòn”, Bilbao lột xác trở nên giàu có từ du lịch nhờ Bảo tàng Guggenheim – “tác phẩm tiêu biểu của kiến trúc đương đại”. Vẻ đẹp độc lạ, thú vị của nó đã thu hút trung bình 1,1 đến 1,3 triệu du khách mỗi năm. Diện mạo và vị thế của Bilbao cũng được nâng tầm hơn hẳn.
Tuy nhiên, Guggenheim không chỉ hút khách với tư cách là một công trình kiến trúc biểu tượng. Tại đây hiện cũng trưng bày không ít tác phẩm nghệ thuật đương đại có giá trị. Ví dụ như họa sĩ Cy Twombly – người rất nổi tiếng trong một vài năm trở lại đây có tác phẩm Nine Discourses On Commodus. Bức Vô đề của Mark Rothko hay The Renowned Order Of The Night của Anselm Kiefer cũng thu hút nhiều người yêu hội họa bay hàng ngàn cây số để đến chiêm ngưỡng. Bên cạnh đó, bảo tàng Guggenheim còn góp phần không nhỏ giúp quảng bá nghệ thuật đương đại và các nghệ sĩ của Tây Ban Nha đến du khách toàn cầu.
Nhà hát lớn quốc gia Bắc Kinh (Trung Quốc)
Giống như Tây Ban Nha, Trung Quốc cũng đã ấp ủ ước mơ xây dựng được “Nhà hát Con Sò” của riêng mình và thực hiện điều này vào năm 2007. Nhà hát lớn quốc gia Bắc Kinh mang hình dáng của viên ngọc trai khổng lồ đang trở thành một biểu tượng mới thời hiện đại của đất nước tỷ dân bên cạnh Vạn Lý Trường Thành hay Tử Cấm Thành – những công trình của quá khứ hàng trăm năm trước.
Trung bình mỗi năm Nhà hát quốc gia Bắc Kinh thu hút 3 triệu lượt khách. Ngoài khách du lịch đến ngắm vẻ đẹp hình elip độc đáo, sáng tạo, đây tất nhiên còn là tụ điểm văn hóa, tổ chức hàng ngàn buổi biểu diễn nghệ thuật hàng năm bao gồm cả biểu diễn thương mại, giáo dục nghệ thuật,… Rất nhiều tên tuổi đình đám của làng âm nhạc thế giới như Maurizio Pollini, Claudio Abbado, Simon Rattle, José Carreras, Lang Lang… và các dàn nhạc có ảnh hưởng nhất như Berlin Philharmonic, Chicago Symphony Orchestra,… đều từng biểu diễn ở đây.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết