Dưới đây là một số diễn biến quan trọng liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine ngày 14/10.
Nga xác nhận trao đổi tù binh với Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, tổng cộng 20 quân nhân Nga đã được trao trả từ lãnh thổ do Kiev kiểm soát. Tất cả các quân nhân được thả đang được hỗ trợ tâm lý và y tế cần thiết và họ sẽ sớm được chuyển đến các cơ sở y tế để điều trị và phục hồi.
“Người của chúng tôi đang trở về nhà … 20 người đã được thả khỏi nơi giam giữ”, Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine, ông Andrey Yermak, cho biết trên kênh Telegram. Trong số đó có “14 quân nhân thuộc Lực lượng vũ trang, 4 chiến sĩ bảo vệ lãnh thổ, một sĩ quan Vệ binh Quốc gia và một lính hải quân”.
Tổng thống Ukraine yêu cầu phương Tây gửi thêm hệ thống phòng không. Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết, Ukraine chỉ có 10% những gì họ cần để bảo vệ bầu trời.
“Tôi đề nghị các vị ở tất cả các cấp, về chính trị, truyền thông, trao đổi với cử tri, ủng hộ việc cung cấp đủ hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không cho Ukraine”, Tổng thống Zelensky phát biểu trực tuyến trước các thành viên Hội đồng nghị viện Ủy hội châu Âu ngày 13/10.
Nga tung video UAV cảm tử tấn công mục tiêu. Đoạn video đã được Quân đội Nga công bố ngày 13/10, kết hợp các hình ảnh do UAV kamikaze và UAV giám sát ghi lại về các cuộc không kích. Trong video, UAV Nga tấn công trực diện vào xe tăng, pháo tự hành của Ukraine, một xe bọc thép HMMWV do Mỹ sản xuất và một chiếc xe dân dụng do một nhóm binh sĩ sử dụng.
“Kết quả của việc sử dụng UAV, một số xe tăng, pháo tự hành và xe bánh lốp, bao gồm cả những loại do các nước NATO cung cấp, đã bị phá hủy”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố.
NATO sẽ theo dõi sát cuộc tập trận hạt nhân sắp tới của Nga, đặc biệt là trước những lời đe dọa hạt nhân mới nhất của Moscow liên quan cuộc xung đột ở Ukraine, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng NATO sẽ theo dõi rất chặt chẽ cuộc tập trận hạt nhân sắp tới của Nga.
“Chúng tôi đã theo dõi các lực lượng hạt nhân của Nga trong nhiều thập kỷ. Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ và cảnh giác, nhất là khi họ chuẩn bị một cuộc tập trận hạt nhân mới. Cuộc tập trận lần này của Nga là cuộc tập trận thường niên, nơi họ thử nghiệm và kiểm tra lực lượng hạt nhân của mình”, ông Stoltenberg nói.
Nga gửi thư tới LHQ về thực hiện thỏa thuận ngũ cốc. Đại diện thường trực của Nga tại Geneva Gennady Gatilov cho biết, Nga đã gửi một bức thư cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres kèm theo danh sách các yêu cầu về thực hiện thỏa thuận ngũ cốc đã ký tại Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7.
Ông Gatilov nhấn mạnh rằng, nước này không chống lại việc cung cấp ngũ cốc nhưng thỏa thuận này phải bình đẳng, nó phải được tất cả các bên thực hiện một cách công bằng.
Pháp sẽ phản ứng ra sao nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine? Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng Paris sẽ không phản ứng bằng vũ khí hạt nhân nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Theo ông Macron, Pháp có học thuyết hạt nhân được xác định rõ ràng và dựa trên “các lợi ích cơ bản của quốc gia”.
“Đây là những vấn đề được xác định rõ ràng và sẽ không ảnh hưởng trực tiếp nếu có một cuộc tấn công hạt nhân ở Ukraine”, ông Macron nói. Trong một bài đăng trên Twitter cùng ngày, ông Macron cũng nhấn mạnh “Pháp không muốn một cuộc chiến tranh thế giới”.
Moscow nói quan chức EU “hoang tưởng” về việc Nga tấn công hạt nhân ở Ukraine. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 13/10 cho rằng những nhận xét gần đây của Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine chỉ là điều “hoang tưởng”.
“Cứ để sự hoang tưởng về vụ tấn công hạt nhân của Nga trong suy nghĩ của ông ấy”, ông Medvedev nói.
Nga sẽ không theo chạy theo phương Tây để tìm kiếm đàm phán về Ukraine, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết. Theo ông Lavrov, cho đến nay, Nga vẫn không nhận được bất kỳ đề xuất nghiêm túc nào cho một cuộc đối thoại về vấn đề ở Ukraine.
“Không có nước nào ở phương Tây tiếp cận chúng tôi với những đề xuất nghiêm túc. Chúng tôi sẽ không chạy theo họ. Chúng tôi đã phản hồi đề xuất đàm phán khi bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt. Vào cuối tháng 3, Nga đã chấp nhận một cuộc đàm phán được tiến hành ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) dựa trên đề xuất của phía Ukraine. Hiện tại, chúng tôi sẽ không theo đuổi bất kỳ ai. Nếu có đề xuất cụ thể và nghiêm túc, chúng tôi sẵn sàng xem xét”, Ngoại trưởng Nga nói thêm.
Dân thường ở Kherson chạy sang Nga để tránh giao tranh. Người đứng đầu vùng Kherson Nga bổ nhiệm ông Vladimir Saldo cho biết: “Chúng tôi đề nghị tất cả người dân vùng Kherson, nếu họ muốn rời đi, hãy đến khu vực khác để bảo vệ bản thân khỏi hậu quả của các cuộc tấn công”.
Việc đưa người dân vùng Kherson ra khỏi vùng chiến sự sẽ được ưu tiên áp dụng cho các cư dân của vùng bờ Tây của song Dnipro, bao gồm thủ phủ của khu vực này, nơi Nga đã quản lý từ tháng 2 vừa qua. Hãng thông tấn TASS đưa tin những thường dân đầu tiên đi khỏi Kherson sẽ đến vùng Rostov của Nga vào 14/10.
Tổng thống Putin nêu lý do không có đàm phán hòa bình với Ukraine. Trong cuộc họp báo ở Astana, Kazakhstan, Tổng thống Nga Putin cho biết, Ukraine đang từ chối tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình.
Theo ông, chính quyền Kiev “đã từng nói rằng họ muốn có các cuộc đàm phán và bề ngoài đã yêu cầu làm điều đó, nhưng hiện giờ họ đã ban hành quyết định chính thức cấm đàm phán”. Ông Putin nhắc lại rằng Nga và Ukraine đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ nhằm giúp chấm dứt các hành động thù địch, trong cuộc đàm phán do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào cuối tháng 3.
“Những thỏa thuận đó gần như đã được ký tắt. Nhưng ngay sau khi quân đội [Nga] rút khỏi Kiev, giới lãnh đạo ở Ukraine đã mất hết mong muốn đàm phán”, ông Putin nhấn mạnh.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết