Vấn đề với vùng cấm bay quân sự là chúng phải được thực thi bằng sức mạnh quân sự. Nếu máy bay Nga đi vào vùng cấm bay của NATO, các lực lượng NATO sẽ bắn hạ máy bay đó.
Vùng cấm bay là khu vực nhất định trong đó máy bay đối phương không được phép hoạt động vì bất cứ lý do gì. Trong bối cảnh xung đột, như ở Ukraine hiện nay, điều này có nghĩa là máy bay Nga không được phép bay, ngăn chặn Moscow tiến hành các cuộc không kích ở Ukraine.
Nếu điều này xảy ra, theo quan điểm của Nga, sẽ là hành động chiến tranh của NATO và có thể khiến xung đột leo thang.
Ngoài các máy bay chiến đấu, NATO sẽ phải triển khai cả máy bay tiếp nhiên liệu, máy bay trinh sát điện tử để hỗ trợ sứ mệnh. Để bảo vệ các chiếc máy bay hoạt động tầm cao với tốc độ tương đối chậm, NATO sẽ phải phá hủy các hệ thống tên lửa đất đối không ở Nga và Belarus, và điều này cũng có nguy cơ khiến xung đột lan rộng.
Nói một cách đơn giản, việc thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine có thể dấy lên xung đột quân sự trực tiếp giữa NATO với Nga và điều đó có thể leo thang thành một cuộc chiến rộng hơn ở châu Âu giữa liên minh quân sự này với một cường quốc hạt nhân.
Cả Nga và Ukraine đều không phải là thành viên NATO. Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin coi việc NATO mở rộng về phía Đông là mối đe dọa đối với Nga.
Do đó, NATO không muốn trở thành bên tham gia trực tiếp vào xung đột ở Ukraine với một đối thủ là cường quốc hạt nhân. Dù ủng hộ Ukraine và chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga, nhưng NATO không muốn làm bất cứ điều gì có thể khiến Nga coi là hành động chiến tranh và khiến căng thẳng leo thang tới mức có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.
“Chúng tôi hiểu rằng làm vậy có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh toàn diện ở châu Âu. Là các đồng minh NATO, chúng tôi có trách nhiệm ngăn chặn cuộc chiến này leo thang ra ngoài Ukraine”, Tổng Thư ký NATO Stoltenberg nhấn mạnh.
Lifehub tổng hợp