Một số người cho rằng các điện thoại thông minh (smartphone) sử dụng hệ điều hành Android luôn đi trước iPhone của Apple. Rất nhiều thao tác Android sẽ làm được nhưng iOS thì không.
Những cuộc tranh luận gữa các fan iOS và Android về hệ điều hành nào tốt hơn là bất tận, không biết hồi kết. Xét về thị phần, Android vượt xa iOS trên toàn thế giới, chiếm gần 80%.
Nói một cách công bằng, cả hai đều cố gắng tăng bảo mật và riêng tư cho người dùng nhưng sẽ có những điều bạn sẽ không thể trải nghiệm được trên một chiếc iPhone.
Chia đôi màn hình, dùng 2 app cùng lúc
Ở năm 2020, mặc dù iPadOS 13 hỗ trợ sử dụng nhiều ứng dụng cùng một lúc, iOS 13 và phần lớn iPhone thì không. Trong khi đó, người dùng Android đã có khả năng chia đôi màn hình và sử dụng cùng lúc 2 ứng dụng (app) từ năm 2016 nhờ vào việc phát hành Android 7.0 Nougat.
Tính năng chia đôi màn hình rất hữu ích. Chẳng hạn bạn cần gởi một số điện thoại cho ai đó trên Facebook Messenger nhưng không thể nhớ được số của họ. Việc chia đôi màn hình, với một bên là danh bạ, một bên là Facebook Messenger sẽ giúp bạn làm việc này nhanh hơn.
Gọi là chia đôi nhưng bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh kích thước hai ứng dụng nhỏ to tùy ý.
Trợ lý ảo Google Assistant
“Chị Google” như cách nhiều người Việt vẫn gọi vui là một điểm vượt trội nữa của Android so với iOS. Chỉ cần nói “OK, Google” hoặc “Hey, Google” trên điện thoại Android là bạn đã có thể ra lệnh cho trợ lý ảo bằng tiếng Việt, ví dụ như tìm đường tới quán ăn gần nhất, mở một app trên điện thoại hay gọi cho ai đó trong danh bạ.
Hoặc nếu bạn cần một người để “tám”, Goolge Assistant sẽ trả lời bạn bằng những câu “vô cùng mặn”, phân biệt được ngữ điệu từ Bắc vô Nam.
Trong khi đó, dù số lượng người Việt sử dụng iPhone không phải là ít, Apple vẫn chưa cập nhật tiếng Việt cho trợ lý ảo Siri. Cô/chàng trợ lý ảo có thể nói tới 21 thứ tiếng, nhưng tiếng Việt thì không. Điều này khiến trải nghiệm của người dùng với iPhone bị hạn chế ở Việt Nam vì phải phát âm chuẩn ngoại ngữ thì Siri mới hiểu và nghe theo.
Thỏa sức sáng tạo trên màn hình chính
iOS đặt tất cả ứng dụng của bạn lên màn hình chính nên người dùng chỉ cần vuốt qua trái hoặc qua phải để chọn thứ mình cần ngay sau khi mở máy.
Trong khi đó, các điện thoại Android lại tách ra làm 2 là màn hình chính và màn hình ứng dụng. Điều này giống như một căn nhà, những gì bạn thấy trên màn hình chính là cửa nhà và màn hình ứng dụng là nơi chứa tất cả những gì có trong nhà.
Bạn sẽ thấy màn hình chính cùng một số app ngay sau khi mở khóa. Việc quyết định app nào sẽ xuất hiện trên màn hình chính là tùy vào thói quen sử dụng của bạn. Ví dụ bạn thường xuyên chat và lướt Facebook, bạn sẽ đưa app này ra ngoài màn hình chính. Điều này sẽ giúp tiết kiệm thời gian.
Bạn cũng có thể thoải mái thêm vào màn hình chính các widget như thời tiết, đồng hồ.
Tính năng picture-in-picture
Năm 2017, Google giới thiệu hệ điều hành Android Oreo, cho phép người dùng có thể vừa xem video trên Youtube thông qua một cửa sổ nhỏ trên màn hình chính, vừa mở một ứng dụng khác như tin nhắn hay lướt web.
iOS hoàn toàn không có tính năng này. Nếu bạn đang xem video trên Youtube và phải trả lời một tin nhắn quan trọng, bạn sẽ phải thoát ra ngoài và Youtube sẽ tự đóng lại. Do đó bạn không có cách gì vừa xem video vừa nhắn tin, trừ khi bạn đang sử dụng iPad.
Hình nền đổi tự động mỗi ngày
Ứng dụng Wallpapers của Google sẽ giúp điện thoại của bạn luôn tươi mới mỗi ngày nhờ vào những hình nền mới mẻ. Bạn không cần tốn công lựa chọn và tải về rồi lại vào cài đặt để thay hình nền như iPhone, Wallpapers của Google sẽ tự động thay đổi hình nền mỗi ngày ngay cả khi bạn không đụng tới điện thoại.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết