Vệ tinh Landsat 8 đã vô tình chụp được bức ảnh Khu Olympic Diên Khánh trên núi Xiaohaituo, phía tây bắc Bắc Kinh. Bức ảnh cho thấy sự tương phản giữa khu vực phủ tuyết nhân tạo phục vụ cho Olympic Mùa đông với những ngọn núi đá khô cằn xung quanh.
Theo NASA, núi Xiaohaituo thường chỉ xuất hiện tuyết rời dày khoảng 3,3 cm vào tháng 2 hàng năm.
Khu vực trên đang được sử dụng để tổ chức các môn thể thao trượt (xe trượt lòng máng, trượt băng nằm sấp, trượt băng nằm ngửa) và trượt tuyết đổ đèo, tất cả đều yêu cầu các đường trượt tuyết hay băng dài, đòi hỏi lượng tuyết lớn. Tuy nhiên, tháng 2 hàng năm, khu vực này thường chỉ nhận được lượng tuyết trung bình là 3,3 cm, theo tổ chức Earth Observatory thuộc NASA.
Kết quả, Olympic Mùa đông 2022 trở thành Olympic Mùa đông đầu tiên cần tới gần như 100% tuyết nhân tạo cho tất cả các môn thể thao trên tuyết, bao gồm trượt tuyết nhảy xa, trượt tuyết tự do và trượt tuyết băng đồng, theo báo cáo mới của nhóm nghiên cứu tại Đại học Loughborough, Anh. Việc sử dụng tuyết nhân tạo gây ra nhiều tranh luận và dẫn đến phản ứng dữ dội từ các nhà bảo vệ môi trường và một số vận động viên.
Được biết, để tạo nên khu vực rộng lớn với nhiều tuyến đường trượt tuyết trên núi Xiaohaituo khô cằn ở Trung Quốc, Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh đã sử dụng một lượng tuyết nhân tạo lớn, ước tính khoảng 1,2 triệu mét khối. Để sản xuất ra khối lượng tuyết khổng lồ này họ phải sử dụng hàng trăm máy móc, 2 triệu mét khối nước và năng lượng khổng lồ.
Việc sử dụng tuyết nhân tạo quá nhiều ở thế vận hội vấp phải phản ứng dữ dội từ một số nhà bảo vệ môi trường. Họ cảnh báo rằng tuyết có thể nguy hiểm hơn, gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh do các chất hoá học được đưa vào sử dụng để kéo dài tuổi thọ của tuyết nhân tạo.
Những hóa chất này có thể gây hại lớn cho thực vật bị tuyết bao phủ và loại nước từ đây chảy ra sông sẽ tác động đến các khu vực lân cận. Tuyết nhân tạo tan chậm cũng có thể cản trở hành vi bình thường của động thực vật. Ngoài ra, ô nhiễm tiếng ồn từ súng phun tuyết còn khiến động vật hoang dã địa phương chịu ảnh hưởng.
Nước làm tuyết lấy từ các hồ Foyukuo và Baihepu với ba trạm bơm khác nhau. Tất cả chất lỏng này sẽ được làm lạnh bằng 8 tháp giải nhiệt trước khi đi qua một trong 300 “vòi rồng“ súng phun nước chạy bằng 130 máy phát điện để thoát ra phía bên kia dưới dạng tuyết trắng.
Tuyết nhân tạo có khoảng 30% là băng và 70% là không khí, trong khi tuyết tự nhiên có gần 10% là băng, 90% là không khí, điều này giúp tuyết nhân tạo dày hơn, cứng hơn. Tuy nhiên, Trung Quốc tuyên bố tất cả năng lượng sử dụng trong Olympic mùa đông 100% từ nguồn năng lượng tái tạo.
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, dù tuyết nhân tạo gây nhiều tranh cãi, biến đổi khí hậu có thể khiến loại tuyết này xuất hiện nhiều hơn ở Olympic Mùa đông trong tương lai.
LifeHub