Đức cho biết không thể cung cấp vũ khí cho Ukraine thêm nữa nhưng gợi ý Kiev có thể mua khí tài của Berlin.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Die Augsburger Allgemeine Zeitung hôm 9.4, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết mặc dù “tất cả chúng ta đều có nghĩa vụ giúp đỡ Ukraine trong cuộc chiến dũng cảm của họ”, nhưng “nguồn cung vũ khí cho Ukraine từ kho dự trữ của Đức đã đến giới hạn”. Bà Lambrecht giải thích rằng quân đội Đức phải “bảo đảm” khả năng phòng thủ của đất nước mình.
“Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi không thể làm được nhiều hơn cho Ukraine” – bà Lambrecht nhấn mạnh, đồng thời gợi ý rằng Kiev nên trực tiếp mua thiết bị cần thiết từ các nhà sản xuất Đức. Bộ trưởng chỉ ra rằng chính phủ Đức “liên tục phối hợp” với các cơ quan chức năng ở Kiev để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán như vậy.
Khi được hỏi chính xác loại vũ khí nào đang được xem xét để bàn giao cho Ukraine, bà Lambrecht từ chối đi vào chi tiết, nói thêm rằng “có những lý do chính đáng khiến chúng tôi coi những thông tin này là bí mật”.
Bà lưu ý, chính Ukraine đã “dứt khoát” yêu cầu Đức không tiết lộ chi tiết cụ thể.
“Phải luôn ghi nhớ rằng, thời điểm việc giao hàng được công bố chi tiết, Nga cũng sẽ có thông tin này. Và chỉ điều này thôi cũng có ý nghĩa chiến lược quân sự” – Bộ trưởng Quốc phòng Đức nói.
Bà Lambrecht khẳng định rằng quân đội của Đức không được trang bị “đủ mức cần thiết”. Bộ trưởng nhấn mạnh, bà quyết tâm thay đổi điều này, tuy nhiên, cuộc tấn công quân sự của Nga ở Ukraine là một lời cảnh tỉnh cho Berlin.
Phát biểu về chủ đề phòng thủ Châu Âu, Bộ trưởng Quốc phòng Đức chỉ ra tầm quan trọng của các nhóm chiến đấu của NATO, đồng thời nói thêm rằng quân đội Đức đã đóng góp không ít vào sáng kiến của liên minh.
Bà Lambrecht thừa nhận có mối lo ngại ở Đức rằng việc cung ứng vũ khí có thể gây ra phản ứng của Nga và “chiến tranh có thể mở rộng sang các địa điểm khác”. Đó là lý do vì sao, điều quan trọng là “chúng tôi phải hành động rất thận trọng và với một cái đầu lạnh trong những thời điểm khó khăn và kinh khủng này” – bà Lambrecht nói.
Không giống với các quốc gia như Mỹ và Anh, Đức lúc đầu không cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự nhằm vào nước láng giềng vào ngày 24.2. Thế nhưng, trong bối cảnh sức ép ngày càng tăng từ chính Ukraine và các đồng minh NATO của Đức, Berlin đã thay đổi chiến lược, và đã cung cấp ít nhất 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa phòng không di động từ các kho dự trữ của mình cho Kiev. Phương án cung cấp thêm các loại vũ khí cùng loại đã được công bố vào cuối tháng 3.
Kể từ lúc Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraina, các quốc gia NATO và đồng minh hạn chế can dự trực tiếp vào cuộc xung đột nhưng vẫn cung cấp vũ khí, đạn dược và nhiên liệu cho Ukraina.
Moscow đã nhiều lần tuyên bố các nguồn cung cấp vũ khí của phương Tây chỉ nhằm mục đích kéo dài xung đột và thậm chí cảnh báo rằng các lực lượng Nga có thể nhắm mục tiêu vào những chuyến giao hàng như vậy.
Nga mở chiến dịch quân sự vào Ukraina từ ngày 24.2, sau khi cáo buộc Ukraine không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk, do Đức và Pháp làm trung gian, được ký kết vào năm 2014.
Ukraine khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ cáo buộc đang có kế hoạch chiếm lại hai nước cộng hoà ly khai ở Donbass bằng vũ lực.
Lifehub tổng hợp