Sống chung với bố mẹ chồng, cư xử với tình cũ… đều là những vấn đề phải bàn bạc trước khi bước vào hôn nhân.
Sự lựa chọn quan trọng hơn tất cả mọi thứ. Bằng lựa chọn tốt, chúng ta mới có thể hạnh phúc. Nhiều cặp vợ chồng ngại ngần giữa chuyện chọn A hay B, chọn phương án này hay phương án khác. Vì sự ngại ngùng, không rõ ràng đó mà sau khi về chung một nhà, mọi mâu thuẫn của họ nảy sinh.
Giữa vợ hoặc chồng cần có những thỏa thuận được thông qua trước khi bước vào hôn nhân. Như vậy mới có được sự rõ ràng cần thiết. Dưới đây là những vấn đề mà các cặp đôi nên hỏi nhau và có được câu trả lời cụ thể trước khi kết hôn để tránh cuộc sống gia đình mâu thuẫn.
1. Kinh tế trong gia đình nên sử dụng ra sao?
Nhiều cặp vợ chồng không quyết định được ai sẽ nắm kinh tế và chi tiêu trong nhà. Bởi vậy sau khi kết hôn, họ tranh cãi không ngớt, thậm chí có những hiểu lầm không đúng về nhau.
Tiền nong, kinh tế là một vấn đề hết sức nhạy cảm và cần được trao đổi rõ ràng. Bởi vậy, trước khi kết hôn, hai vợ chồng phải thảo luận về nó, tiền vợ cầm hết hay chồng cầm hết để chi tiêu. Hoặc giả dụ hàng tháng người nào chi những khoản gì hay xử lý sao với tiền sinh hoạt. Tất cả cần được nói rõ ràng bởi tiền nong cũng là một phần cực kỳ quan trọng trong đời sống hôn nhân.
2. Chúng ta có sống chung với nhà chồng không?
Nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ do sự can thiệp của mẹ chồng. Việc sống chung một nhà với bố mẹ cũng mang đến một số sự xích mích trong hôn nhân. Bởi vậy, cô dâu cần được biết rõ rằng sau kết hôn các bạn phải sống như thế nào. Nếu sống chung, cô dâu cũng nói chuyện với chú rể về những vấn đề có thể xảy đến và cách cư xử. Nếu như sống riêng thì cuộc nói chuyện của hai bên sẽ khác. Bởi vậy, chuyện có sống chung với bố mẹ chồng hay không cũng là một vấn đề lớn mà chúng ta phải bàn bạc trước khi kết hôn.
3. Báo hiếu bố mẹ hai bên như thế nào?
Chuyện báo hiếu với bố mẹ là điều đương nhiên, con cái cần làm. Nó là một trách nhiệm mà những người con khôn lớn, trưởng thành cần thực hiện. Chuyện báo hiếu nhỏ thì như tặng quà, biếu tiền, lớn hơn thì thực hiện những chuyến du lịch cùng bố mẹ, về nhà ăn Tết hay đón năm mới cùng nhà. Hai vợ chồng cũng nên nói trước với nhau để sau khi kết hôn, cứ hành xử theo những gì đã bàn bạc thì mới khó xảy ra mâu thuẫn hay xung đột.
4. Tiền “lễ đen” và các khoản chi phí cưới hỏi thế nào?
Ở nhiều vùng miền, khi kết hôn cần có tiền lễ đen gia đình chú rể mang cho nhà cô dâu. Hai bên cũng cần nói với nhau trước để sau đó không xảy ra sự cố khiến không khí mất vui. Ngoài ra, những chi phí khác cho chuyện kết hôn cũng được nói rõ ràng. Đừng xấu hổ bởi nếu không rõ, sau này chính các bạn mới khó xử, rắc rối.
5. Khi nào quyết định sinh con?
Nhiều cặp vợ chồng sau khi kết hôn, bàn bạc mỗi chuyện bao giờ sinh đẻ mà cũng đủ làm lung lay cả mối quan hệ hôn nhân. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do các đôi trẻ không giải thích và bàn bạc rõ ràng trước khi kết hôn. Bởi vậy sau đó hai bên xung đột tính toán hay ý tưởng, tạo nên những drama không đáng có.
6. Thái độ nào khi nhắc đến những mối tình cũ?
Đừng nghĩ rằng đây là một vấn đề nhỏ không đáng nhắc đến. Trái lại, nó ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc của hai vợ chồng mà chẳng phải ai cũng lường trước được. Câu chuyện về người yêu cũ bao giờ cũng gây ra các tranh cãi khác nhau.
Bởi vậy, trước khi kết hôn, hai vợ chồng nên thẳng thắn về vấn đề này. Nếu như cả hai cùng thống nhất chẳng bao giờ nhắc đến tình cũ nữa thì cứ vậy mà làm theo. Trái lại, nếu như hai bên cho rằng đây là một đề tài bình thường nhưng có giới hạn nhất định thì vợ chồng thoải mái thực hiện thôi. Nhưng cái cốt yếu nhất của vấn đề chính là phải dám nói trước, bàn bạc trước. Có nhiều câu chuyện vợ chồng ghen tị, cãi vã ầm ĩ chỉ vì chuyện người yêu cũ. Đừng để nó ảnh hưởng đến hôn nhân của chính mình.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết