Phát biểu họp báo sau cuộc họp trực tuyến khẩn giữa các ngoại trưởng EU, Ông Borrell nói: “Chúng tôi quyết định cung cấp vũ khí sát thương, hỗ trợ sát thương cho quân đội Ukraine với trị giá gói viện trợ là 450 triệu Euro và thêm 50 triệu Euro cho gói viện trợ phi sát thương, nhiên liệu, thiết bị bảo hộ”.
Tất cả số hàng viện trợ này do Quỹ liên chính phủ hòa bình châu Âu của EU chi trả.
Theo nhà ngoại giao EU: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chúng tôi làm điều đó và tất cả mọi người đều nhất trí là ít nhất không cản trở quyết định này”.
Ông đồng thời nhấn mạnh, Ba Lan đã “đề xuất đóng vai trò trung gian hậu cần để vận chuyển hàng viện trợ”.
Nhà ngoại giao hàng đầu EU cho biết thêm, EU cũng có kế hoạch cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine.
Trước đó, sau nhiều lần khước từ đề nghị của Ukraine về việc cung cấp vũ khí sát thương, chính phủ Đức đã cho phép Hà Lan cung cấp 400 súng phóng lựu chống tăng do Đức sản xuất cho Ukraine để giúp nước này chống lại Nga.
Bên cạnh đó, chính phủ Đức cũng cung cấp cho Ukraine 1.000 vũ khí chống tăng cùng 500 tên lửa đất đối không Stinger và đạn dược từ kho của quân đội nước này.
Các động thái này đánh dấu sự chuyển dịch chính sách của Berlin trong bối cảnh các lực lượng Nga tiếp tục tấn công Kiev và các thành phố khác của Ukraine.
Theo Thủ tướng Đức Olaf Scholz, cuộc tấn công của Nga vào Ukraine “đã đánh dấu một bước ngoặt. Chúng tôi có nghĩa vụ làm hết sức mình để hỗ trợ Ukraine tự vệ trước đội quân xâm lược của Tổng thống Putin“.
Trong ngày 27/2, hàng loạt quốc gia cũng tuyên bố cung cấp vũ khí cho Ukraine như Czech, Thụy Điển, Đan Mạch, Bỉ, Bồ Đào Nha…
Theo TG&VN