Giới trẻ đang ngày càng có yêu cầu cao hơn về cuộc sống, họ không chỉ theo đuổi chất lượng vật chất, mà còn theo đuổi sự thỏa mãn về tinh thần.
Gần đây, một thành niên thu nhập hàng tháng 35 triệu đồng nhưng nợ thẻ tín dụng lên tới 170 triệu đồng, hàng tháng ngoài trả nợ ra thì lại sống tiếp nhờ vào thẻ tín dụng, đã trở nên nổi tiếng khắp cõi mạng. Đồng thời, anh chàng còn trở thành đại diện tiêu biểu của nhóm “nguyệt quang tộc” (một từ lóng trong giới trẻ Trung Quốc, chỉ những người lương tháng nào tiêu hết tháng đó, thậm chí còn là những “con nợ hàng tháng” – chưa lĩnh lương tháng mới đã tiêu hết lương tháng cũ).
Thật ra, nhóm “nguyệt quang tộc” không chỉ phổ biến ở Trung Quốc, mà còn là hiện tượng khá thường thấy ở nhiều nơi trên thế giới. Theo thống kê, khoản nợ của thế hệ Y ở Mỹ đã vượt quá 1 nghìn tỷ USD, mức cao kỷ lục kể từ cuối năm 2007.
Xung quanh bạn có nhiều người như vậy không? Tiền đi đâu mất? Trả nợ kiểu gì? Đằng sau đó là một tâm lý tiêu dùng ra sao?
Để trả lời cho các câu hỏi này, một khảo sát bằng bảng câu hỏi về những người chưa hết tháng đã tiêu hết tiền đã được tiến hành. Mẫu khảo sát là 112 người, trong đó có 46 nam và 66 nữ, sinh sống tại cùng một khu vực. Theo phân tích từ kết quả khảo sát, tuy số lượng “nguyệt quang tộc” không nhiều nhưng nó đã trở thành một hiện tượng phổ biến trong giới trẻ. Điều đáng quan tâm hơn là “thứ tôi thích đều rất đắt” đã trở thành tâm lý tiêu dùng chủ yếu của những “con nợ” này.
Gần 40% người trẻ không có tiền tiết kiệm hàng tháng hoặc đang nợ
“Tôi đã chi rất nhiều tiền để mua sắm quần áo cho bản thân và gia đình trong dịp Tết Nguyên đán, tôi cũng đã mua một chiếc điện thoại di động mới. Ngoài ra, tôi cũng vừa mang thai nên có rất nhiều khoản phải tiêu”, Hân, một nhân viên văn phòng chia sẻ, có lúc chỉ trong 1 tháng Tết, cô ấy tiêu hết gần 40 triệu. “Nhưng vì trước đây tôi có tiền tiết kiệm nên chưa phải đi vay”, Hân nói, bổ sung thêm rằng nếu theo mức thu chi gần đây thì có lẽ sẽ rất khó để tiết kiệm được tiền.
Cô cũng chia sẻ, bình thường cũng tốn kha khá tiền cho các dịp như cưới hỏi bạn bè họ hàng, rồi sinh nhật, lễ kỉ niệm, bản thân cô cũng muốn mua ít quần áo, mỹ phẩm. “Hiện tại tôi đang mang thai, sinh con xong có lẽ sẽ lại càng khó để ra được tiền hơn”, Hân nói rằng nếu sau này thu nhập không tăng lên, có lẽ cô sẽ trở thành “con nợ hàng tháng” khi tiền tiết kiệm cạn kiệt.
Những trường hợp như của Hân không phải là ít. Theo khảo sát bằng bảng câu hỏi tại khu vực những người trẻ như Hân sinh sống, 40% số người được hỏi có thu nhập hàng tháng dưới 9 triệu đồng, 27% có thu nhập hàng tháng từ 9 triệu tới 15 triệu và 14% có thu nhập hàng tháng trên 25 triệu.
Còn bạn thì sao, bạn để ra được bao nhiêu phần trăm trong tổng thu nhập của mình? Theo kết quả khảo sát, 33% số người được hỏi chọn “vừa đủ”, và 6% số người được khảo sát nói “có một khoản vay”. Dù số lượng những “con nợ hàng tháng” không nhiều, nhưng nó cũng đang dần dần trở thành một hiện tượng phổ biến trong giới trẻ hiện nay.
Quẹt thẻ tín dụng, vay tiền từ nền tảng tín dụng trở thành phương thức trả nợ chính
Đối với những người trả lời khảo sát có khoản vay hàng tháng, họ sống như thế nào? Phóng viên đưa ra các lựa chọn như “vay tiền người nhà”, “vay tiền bạn bè”, “quẹt thẻ tín dụng”, “vay tiền từ các nền tảng tín dụng”. Ở dạng câu hỏi trắc nghiệm, tỷ lệ “quẹt thẻ tín dụng” là 85,7% và tỷ lệ “vay tiền từ các nền tảng tín dụng” là 57,1%, trở thành cách trả nợ chính của những người chưa hết tháng đã tiêu hết tiền.
“Thật ra, không chỉ chúng tôi là người muốn dùng thẻ tín dụng, các ngân hàng cũng đang khuyến khích chúng tôi dùng thẻ tín dụng”, Long, một chàng trai 9X đi làm được 2 năm chia sẻ, nói rằng có những đợt giảm giá khi ăn uống, mua sắm và xem phim khi sử dụng thẻ tín dụng, vì vậy mỗi khi thanh toán hóa đơn, sẽ luôn có thói quen rút thẻ tín dụng ra tiêu đầu tiên, hơn nữa, “tiêu tiền bằng tiền mặt thì xót nhưng quẹt thẻ tín dụng thì không hề”. Trước khi kịp ý thức ra được điều gì đó, mức tiêu dùng hàng tháng sớm đã vượt quá mức thu nhập. “Nếu mà thẻ tín dụng không được dùng nữa thì có thể hỏi vay bạn bè, nói chung là vẫn có cách để sinh tồn qua từng tháng”.
Nhu cầu cao của giới trẻ đối với cuộc sống
Có một giai đoạn, Starbucks Trung Quốc tung ra loại cốc mùa xuân mới “Cốc tay mèo”, giá gốc của cốc là 150 nhân dân tệ (khoảng 500 ngàn), thậm chí trên mạng còn có mức giá vài triệu một chiếc cốc, một cái giá không phải là rẻ, nhưng vẫn luôn có những người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền cho sở thích của họ. Linh, một 9X, là một trong số họ, Linh rất thích sưu tập cốc, cô cho biết dù chiếc cốc có giá khoảng 500 tệ (khoảng 1,6 triệu đồng) thì cô vẫn sẽ mua, chỉ đơn giản là vì thích.
Tâm lý người tiêu dùng đằng sau mức giá tăng vọt của “Cốc tay mèo” của Starbucks trùng khớp với kết quả của một cuộc khảo sát. Theo bảng câu hỏi, một hiện tượng rất thú vị đã xuất hiện, ở dạng câu hỏi trắc nghiệm, trong số 50 người cho rằng hành vi tiêu dùng của mình là không hợp lý, có 24 người chọn “là vì những thứ tôi thích rất đắt”, chiếm 48%; 17 người chọn “vì muốn tận hưởng cảm giác tiêu tiền”, chiếm 34%; 16 người chọn “vì thấy giảm giá không nỡ bỏ qua”, chiếm 32%; một số người lại nói “vì xem livestream cuốn và nhiều ưu đãi nên mua”, chiếm 28%.
Vậy thì, mọi người đang tiêu tiền của mình ở đâu? “Những thứ đắt tiền tôi thích” là gì? Bảng khảo sát đã đưa ra các lựa chọn như quần áo vẻ ngoài, chế độ ăn uống, nhu cầu thiết yếu hàng ngày, trả tiền nhà, đi lại, liên lạc, văn hóa, giáo dục và giải trí, sức khỏe, đây cũng là những câu hỏi trắc nghiệm. Ngoài chi tiêu cho ăn uống, quần áo, nhà ở và phương tiện đi lại hàng ngày, chi tiêu cho văn hóa, giáo dục và giải trí chiếm tới 55%.
Dù là gần một nửa số người tham gia khảo sát chọn “thứ mình thích thì rất đắt”, hay 55% chi tiêu cho văn hóa, giáo dục, giải trí, cả hai đều nói lên rằng giới trẻ đang ngày càng có yêu cầu cao hơn về cuộc sống, họ không chỉ theo đuổi chất lượng vật chất, mà còn để theo đuổi sự thỏa mãn về tinh thần, ngày càng nhiều bạn trẻ có sở thích riêng và sẵn sàng chi tiền cho chúng.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết