Theo số đông bạn đọc Báo Người Lao Động, tuổi nghỉ hưu cần căn cứ vào đặc thù ngành nghề riêng, không thể cào bằng như hiện nay.
Bộ LĐ-TB-XH đang hoàn tất hồ sơ thủ tục 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm, dự kiến trình Quốc hội vào năm 2023. Trong các nhóm này sẽ giảm dần thời gian đóng BHXH, cụ thể là rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ít.
Trên cơ sở ý kiến của ban đọc gởi đến diễn đàn “Ồ ạt rút BHXH một lần”, Báo Người Lao Động đã tổng hợp, phân tích để chỉ ra những bất cập của Luật BHXH hiện hành. Các bài viết của chúng tôi nhận được sự đồng thuận cao của đa số bạn đọc Báo Người Lao Động.
Bạn đọc Phạm Thanh bày tỏ: “Cảm ơn quý báo đã có những tiếng nói cùng người lao động, rất cần Quý báo quan tâm sát sao phản ánh nhiều hơn nỗi lòng của người lao động. Thời điểm cực kỳ khó khăn đang đeo bám người lao động nhưng lương hưu ngày càng xa vời”.
Bạn đọc Thanh Long ấm ức: “Lúc trước 30 năm đóng BHXH được hưởng 75% lương hưu. Bây giờ tăng lên đến 35 năm đóng BHXH mới được hưởng 75% lương hưu. Thiếu 1 năm đóng BHXH thì bị trừ 2% lương hưu nên rất ít người được hưởng 75% lương hưu vì thời gian đóng quá dài!”.
Tương tự, bạn đọc Trần Trần nói: “Cống hiến cả đời nhưng khi về hưu thử hỏi có ai sống được bằng đồng lương hưu không, với mức lương hưu hiện nay chỉ đủ để sống qua ngày chờ qua đời, người lao động không rút một lần mới lạ”.
Bạn đọc Kim Oanh góp ý: “Bảo hiểm phải công bằng, đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, không phân biệt nam nữ vì tuổi thọ nam giới thấp hơn nữ giới, sao họ lại phải đóng dài hơn. Tốt nhất mỗi người lao động đều có 1 tài khoản hưu trí. Hàng tháng góp tiền vào đó, tự đầu tư theo các kênh nhà nước khuyến nghị. Tài khoản này nếu gửi càng lâu, càng nhiều thì càng được hưởng nhiều ưu đãi như miễn giảm thuế, cho vay mua nhà hay làm ăn lãi suất thấp, trợ cấp”.
Theo nhiều bạn đọc, cái vô lý nhất là lấy lý do tuổi thọ tăng cao rồi tăng tuổi nghỉ hưu, bởi đâu phải cứ ai sống thọ là có đủ sức lao động làm việc. Hiện nay rất nhiều công ty thu hẹp quy mô sản xuất, nhất là các tập đoàn may mặc, một phần vì những bất ổn của tình hình thế giới, một phần vì những tập đoàn lớn đầu tư từ thập niên 2000, nay đã trên 20 năm, do đó đa phần là công nhân có tuổi trung bình trên 45 và mức lương cao. Bị sa thải lúc này thì khó xin việc trở lại, đành tìm cách rút 1 lần vì lưới an sinh của BHXH có thèm quan tâm đến họ đâu.
Theo bạn đọc Vũ Văn Anh, giảm thời gian tham gia đóng BHXH xuống còn 15 năm không giải quyết được người lao động rút bảo hiểm một lần mà nên giảm thời gian đủ tuổi nghỉ hưu. 20 tuổi tham gia đóng BHXH đến năm 35 tuổi được nghỉ hưu chờ đủ 62 tuổi mới được nhận sổ hưu, vậy chờ 27 năm người lao động sinh ra một thế hệ mới rồi”.
Một bạn đọc tên Thăng chia sẻ: “Theo tôi nên quy định thời hạn tối thiểu là 15 năm là được hưởng lương hưu chứ 10 năm thì thấp quá không phù hợp. Sẽ không căn cứ vào tuổi nhận lương hưu, kể cả họ 35, 40 tuổi nhưng mức hưởng tối thiểu sẽ bằng mức lương tối thiểu vùng quy định và tỷ lệ sẽ không phải là 75% như hiện nay nếu thời gian đóng dài”.
Góp ý hoàn thiện chính sách, bạn đọc Trần Văn Tâm cho rằng BHXH cần tính toán hài hòa phù hợp để người tham gia thấy tính ưu việt của bảo hiểm thì không ai rút 1 lần. Đối với lao động sản xuất trực tiếp thì cần có nhiều nấc tuổi về hưu từ 45 tuổi đến 60 tuổi và căn cứ vào năm đóng bảo hiểm, linh hoạt các độ tuổi nghỉ hưu để không có ai rút 1 lần.
Nhiều bạn đọc nói tuổi nghỉ hưu, lĩnh lương hưu chỉ nên quy định với những người làm việc trong cơ quan nhà nước, còn với người làm việc ngoài nhà nước thì không nên quy định tuổi nghỉ hưu. Tùy theo sức khỏe của mình mà người lao động tự quyết, nếu đóng đủ BHXH rồi thì có quyền nghỉ ngơi.
Với bạn đọc Thiệu Phan, BHXH nên có quy định đủ tuổi hoặc đủ năm đóng BHXH thì được về hưu. Tiền lương hưu theo tỉ lệ % số năm đóng. Còn với bạn đọc Phạm Trang, tuổi nghỉ hưu cần căn cứ vào đặc thù ngành nghề riêng, không thể cào bằng như hiện nay được.
Bạn đọc Nguyễn Thị Thu góp ý: “Căn cứ vào số năm đóng để hưởng hưu và giảm tuổi nghỉ hưu xuống 45 tuổi đến 50 tuổi áp dụng cho lao động sản xuất trực tiếp ở các công ty tư nhân cũng như công ty nhà nước,sửa luật theo hướng thực tiễn cuộc sống, có nhiều nấc tuổi nghỉ hưu từ 45 tuổi đến 55 tuổi sẽ không có ai rút 1 lần, chứ chờ đến 62 tuổi thì lâu quá, sẽ rút ồ ạt để chi tiêu vặt qua ngày thôi”.
Theo bạn đọc Anh Thái, cách tính tuổi hưu Nam 52 , nữ 50 là ổn, nếu có nhu cầu làm thêm thời gian thì đóng BHXH tiếp theo tùy theo % để được hưởng mức lương hưu phù hợp, còn ai không muốn tham gia nữa thì hưởng bình thường thì người lao động mới sống được.
Bạn đọc Việt Nguyễn bày tỏ: “Luật BHXH thay đổi thì nên giảm tuổi hưởng hưu chứ không giảm năm đóng, nếu được thì sửa lại nam 55 tuổi, nữ 50 tuổi nghỉ hưu, mức hưởng lương hưu bằng bình quân 5 năm cuối tiền đóng BHXH được như vậy thì NLĐ sẽ không rút BHXH 1 lần mà còn đồng ý cả 2 tay luôn.
Còn bạn đọc Hồ Đức Vĩnh đề xuất: “Nam nên 55 và nữ nên 50 và ai muốn là thêm thì làm, nhưng tối đa là 60 Nam nghỉ hưu và nữ là 55. Hãy tạo điều kiện cho lớp trẻ kế thừa”.
Trần Bình đặt câu hỏi: “Tại sao không nghiên cứu, đưa ra tỷ lệ về số năm hưởng lương hưu phụ thuộc vào số năm đóng bảo hiểm, sau khi hết thời gian này người lao động chỉ hưởng trợ cấp với tỷ lệ thấp hơn, như vậy, mức lương hưu sẽ phụ thuộc vào số năm đóng bảo hiểm đóng lâu thì hưởng cao và thời gian dài hơn”.
Theo bạn đọc Nguyễn Quốc Anh, chỉ có cách giảm tuổi để nhận lương hưu, và điều chỉnh số năm tham gia bảo hiểm phù hợp thì mới công bằng chi người lao động, tùy đó việc rút BHXH 1 lần sẽ giảm đi.
“Nếu nói công nhân thì 18 tuổi đi làm 38 tuổi đủ 20 năm BHXH chả nhẽ đợi 22 năm thì mới được lãnh hưu, vậy rút hết cho rồi, rồi tính tiếp. Nếu người học đại học thì 22 tuổi đi làm, 42 tuổi đủ 20 năm đóng BHXH, thì những người này có dậm chân tại chỗ để chờ hưu không” – bạn dọc này viết.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết