Trải qua vô số giai đoạn thảm họa, loài gián vẫn sống sót nhờ vào nhiều đặc tính tự nhiên của chúng.
Khi thiên thạch Chicxulub đâm vào Trái đất cách đây 66 triệu năm, loài gián đã ở đó và chúng đã thể hiện năng lực sinh tồn tuyệt vời hơn so với nhiều loài khác.
Vụ va chạm Chicxulub tạo ra một trận động đất lớn và các nhà khoa học nhận định nó cũng tạo ra các vụ phun trào núi lửa cách địa điểm va chạm hàng nghìn dặm. Ba phần tư thực vật và động vật trên Trái đất đã chết, bao gồm phần lớn các loài khủng long, ngoại trừ một số loài là tổ tiên của các loài chim hiện tại.
Làm thế nào những con gián dài vài cm có thể sống sót trong khi không ít loài động vật mạnh mẽ hơn, to lớn hơn đã tuyệt chủng? Đơn giản, loài gián có những yếu tố tự nhiên phù hợp để giúp chúng sống sót qua một thảm họa thiên thạch.
Cấu tạo cơ thể
Khi quan sát loài gián, chúng ta dễ dàng nhận thấy cơ thể của chúng rất gọn gàng và phẳng phiu. Các côn trùng thân phẳng mỏng có thể thuận lợi chui mình vào những nơi chật hẹp. Điều này cho phép gián ẩn náu ở bất cứ đâu, yếu tố này giúp chúng sống sót sau tác động của Chicxulub.
Khi thiên thạch va chạm, nhiệt độ trên bề mặt Trái đất tăng mạnh. Nhiều loài động vật không có nơi nào để chạy trốn, nhưng gián thì có thể trú ẩn trong các khe đất nhỏ, nơi bảo vệ tuyệt vời khỏi sức nóng.
Gián là loài ăn tạp
Vụ va chạm của thiên thạch tạo ra một loạt các hiệu ứng thảm họa. Nó tung rất nhiều bụi vào không trung làm bầu trời tối sầm lại. Khi mặt trời mờ đi, nhiệt độ giảm xuống và không khí trở nên lạnh lẽo trên toàn cầu.
Với ít ánh sáng mặt trời, các loài thực vật sống sót phải vật lộn để phát triển và nhiều sinh vật khác sống dựa vào những loài thực vật đó đã gặp phải vấn đề khủng hoảng về thức ăn.
Thực vật khan hiếm dẫn tới sự diệt vong của nhiều loài động vật ăn thực vật, các loài động vật ăn thịt cũng vì thế mà thiếu đi nguồn thức ăn nuôi sống. Những loài có kích thước càng lớn, càng yêu cầu lượng thức ăn lớn, lại là những loài bị hủy diệt đầu tiên.
Đối với gián, tình trạng của chúng dễ dàng hơn nhiều. Khác với một số loài côn trùng thích ăn một loại thực vật cụ thể, gián là loài ăn tạp. Điều này có nghĩa chúng sẽ ăn đa số các loại thức ăn có nguồn gốc từ động vật hoặc thực vật, thậm chí cả phân. Việc có khẩu vị không kén chọn đã giúp gián có thể sống sót qua nhiều giai đoạn thảm họa.
Trứng gián là những chiếc hộp bảo vệ
Một đặc điểm hữu ích khác là gián đẻ trứng có hình dạng như những hạt đậu khô. Trứng gián cũng được gọi là oothecae, có nghĩa là “hộp đựng trứng”.
Giống như vỏ điện thoại, oothecae khá cứng và bảo vệ những thứ bên trong khỏi các hư hại va đập và các mối đe dọa khác, ví dụ như lũ lụt và hạn hán.
Con người có thể học hỏi nhiều thứ từ loài gián
Gián hiện đại là những sinh vật hiếm hoi có thể sống ở bất cứ đâu trên đất liền, từ cái nóng của vùng nhiệt đới đến một số vùng lạnh nhất trên thế giới. Các nhà khoa học ước tính rằng có hơn 4000 loài gián sống trên Trái Đất.
Một số ít các loài này thích sống chung với con người và nhanh chóng trở thành động vật gây hại. Một khi gián ở trong một tòa nhà, thật khó để xóa bỏ được toàn bộ dấu vết của chúng.
Gián gây hại rất khó quản lý vì chúng có thể chống lại nhiều loại thuốc diệt côn trùng. Thế nhưng, gián không chỉ gây hại. Các nhà khoa học còn nghiên cứu loài gián để hiểu cách chúng di chuyển và cách cơ thể chúng được thiết kế để lấy ý tưởng chế tạo ra những con robot tốt hơn. Khả năng sinh tồn cao của chúng cũng đáng để con người học hỏi ở một vài khía cạnh phù hợp.
Lifehub tổng hợp