Dịch bệnh Covid-19 kéo dài không chỉ tác động tới kinh tế xã hội mà còn ảnh hưởng tới sức khoẻ tâm thần. Rất nhiều người đi khám mới biết mắc bệnh cần điều trị.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, PGĐ. Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho hay, dịch Covid-19 tác động đến sức khỏe tâm thần là vấn đề đã được nói đến và cảnh báo trước đó.
Thời điểm gần đây bác sĩ tiếp nhận không ít trường hợp rối loạn trầm cảm. Đa phần các trường hợp bệnh nhân phải ở nhà quá lâu, môi trường sống bất ngờ thay đổi, mất việc làm, áp lực cuộc sống… đã khiến cho rất nhiều người dẫn đến trầm cảm.
Mới đây, PGS.TS. BS Hồng Thu tiếp nhận trường hợp của nữ bệnh nhân tại Hà Nội (20 tuổi) bị rối loạn trầm cảm lo âu khá nghiêm trọng tới khám.
Bệnh nhân tâm sự sau khoảng thời gian mắc Covid-19, luôn cảm thấy chán nản, bi quan tiêu cực, mệt mỏi về thể xác lẫn tinh thần, không có động lực, dễ nổi nóng, nói lời khó nghe với người khác dù bản thân không có ý đó.
Khi tới khám, cô gái trẻ chia sẻ với bác sĩ, cô luôn cảm thấy khó khăn khi bộc lộ cảm xúc, luôn cảm thấy căng thẳng và thờ ơ với hầu hết mọi thứ. Bệnh nhân thậm chí đã nghĩ đến chuyện tự tử.
Bên cạnh đó, bệnh nhân có luôn có cảm giác mệt mỏi, thường xuyên đau đầu, giấc ngủ không sâu, thậm chí có khi mất ngủ đến sáng. Ngoài ra, nữ bệnh nhân còn chán ăn, không còn hào hứng với sở thích của mình và mất phương hướng trong tương lai.
Bác sĩ Hồng Thu cho hay, bệnh nhân có đầy đủ các triệu chứng của trầm cảm. Với ca bệnh này rất may mắn là được can thiệp kịp thời, nếu không được điều trị thì nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng rất cao, vì trước đó ngày nào bệnh nhân cũng nghĩ đến cái chết.
Theo bác sĩ Hồng Thu, dù nhận thức của mọi người về vấn đề sức khỏe tâm thần đã được nâng cao, nhưng còn rất nhiều người vẫn có tâm lý kỳ thị, “sợ” không dám đi khám chuyên khoa tâm thần.
Hiện nay, không ít người có vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần nhưng không hề hay biết, đi khám nhiều nơi, chụp chiếu và xét nghiệm nhiều thứ, uống nhiều loại thuốc nhưng không khỏi bệnh. Đến khi phát hiện ra vấn đề mình gặp phải thì đã quá muộn, thậm chí là đã gây ra hậu quả.
Để điều trị trầm cảm, điều quan trọng nhất chính là từ phía người bệnh. Người bệnh phải chấp nhận mình đang có bệnh và phải tuân thủ điều trị cùng bác sĩ.
Bác sĩ Hồng Thu khuyến nghị: “Dù trong bối cảnh dịch bệnh hay không, người dân khi xuất hiện các triệu chứng như mất ngủ, lo âu, bồn chồn, mất phương hướng, kèm theo đó là một vài vấn đề như“ đau mỏi cơ, ợ hơi, trào ngược, nhói tim…cần nghĩ ngay đến bệnh lý tâm thần và đi khám sớm”.
Bác sĩ Thu chia sẻ, Covid-19 tác động tới sức khỏe tâm thần của hầu hết mọi người, vì vậy khi có một vài biểu hiện nên đi khám. Ví dụ, một vài chức năng như: ăn uống, ngủ, nghỉ… không còn được bình thường, như:
– Khó ngủ, ngủ không tốt, dễ gặp ác mộng, ngủ hay tỉnh dậy giữa đêm, ngủ dậy vẫn thấy mệt mỏi…
– Trạng thái hay gặp nhất đó là mệt mỏi mãn tính, cơ thể không có năng lượng, không có động lực làm việc, không có năng lượng làm gì.
– Cảm xúc thay đổi, dễ cáu gắt, nóng giận, nhỏ nhen hơn trước đây, không kiểm soát được cảm xúc của mình.
– Trạng thái thứ 4 cũng rất hay gặp là sự lo lắng thái quá, suy nghĩ quá nhiều, mất tập trung dẫn tới không làm được việc gì.
Lifehub tổng hợp