Hãy tưởng tượng bạn đi du lịch Đà Nẵng cùng một nhóm bạn trên mạng. Vào buổi tối đầu tiên tại khu nghỉ dưỡng, các bạn kéo nhau đi mua đồ ăn vặt tại siêu thị.
Bạn nói với nhân viên thu ngân là hãy tính chung hóa đơn. Không có vấn đề gì to tát cả, nhưng chắc chắn trong thâm tâm bạn hy vọng những người bạn mới sẽ trả tiền vào lần sau. Tất nhiên, bạn làm điều này dựa trên sự tin tưởng, đó là cách tất cả chúng ta hành xử. Ngoại trừ việc một người từ chối. Anh ta muốn trả tiền riêng và đề nghị bạn làm như vậy. Dù hơi phân vân, bạn chấp nhận tính tiền riêng. Sau này bạn biết lý do. Anh ta tính toán chi tiết mọi thứ và không dừng lại ở việc chia đều.
Vào buổi tiếp theo, bạn đề nghị thanh toán bữa trưa nhưng anh ta lại phàn nàn việc chia hóa đơn, tính toán chính xác cả đồ uống và từng món ăn. Bạn thấy khó chịu và góp ý rằng điều đó khiến bạn cảm thấy không thoải mái. Khi nhận được sự phản ứng khó chịu từ cả nhóm, anh ta phân trần rằng anh ta sẽ cảm thấy rất tồi tệ nếu cuối chuyến đi mà anh ta lỡ nợ một người bạn mới quen 500k. Nhưng việc cộng tổng tiền rồi chia đều là không đủ. Anh ta muốn số tiền được chia sòng phẳng đến từng món ăn và đồ uống từng người đã dùng. Đau đầu chưa?
Một điều chắc chắn là tất cả chúng ta đều cố gắng kiểm soát các khoản chi tiêu của mình, nhưng người bạn mới quen này đã nâng nó lên một bậc. Mọi chi tiêu phải thật sòng phẳng thay vì ước tính. Có điều khi làm như vậy, anh ta đã cướp đi cơ hội xây dựng mối quan hệ xã hội dựa trên nguyên tắc cho đi nhận lại.
Sau đó trong suốt kỳ nghỉ mát, bạn không hề có cảm giác muốn mua cho người bạn này dù chỉ là một chai nước, điều này thật kỳ lạ bởi vì bạn luôn hào phóng và thích mua những món quà nhỏ cho bạn bè. Thậm chí, bạn cũng không muốn để anh ta ăn chung gói bim bim của mình trên bãi biển. Có nhiều khả năng đây sẽ là chuyến đi cuối cùng bạn đi cùng với anh ta và có lẽ bạn đang đặt câu hỏi về giá trị của mối quan hệ với anh ta.
Vậy điều gì vừa xảy ra trong chuyến du lịch trên?
Bạn đã trải qua một mối quan hệ giao dịch xã hội không có sự Cho đi nhận lại. Nó không được thoải mái cho lắm và bạn sẽ chấm dứt mối quan hệ bạn bè này. Người bạn kia là một người sống rất lý tính, và cuối chuyến đi, tất nhiên bạn không nợ nhau bất cứ điều gì, nhưng có lẽ bạn cảm thấy sẽ không thoải mái lắm. Ok, bây giờ có lẽ mọi người sẽ thấy hơi khó chịu vì anh chàng trong câu chuyện trên.
“Chắc là ông kia chả có bạn bè gì đâu, còn bản thân mình thì chắc chắn sẽ không hành xử và tính toán chi li như vậy.” Bởi vì bạn biết cách đền đáp lại nhau trong cuộc sống hàng ngày.
Nhưng bạn có biết rằng nguyên tắc có đi có lại cũng có thể giúp ích rất nhiều cho công việc kinh doanh của bạn không?
Chỉ đơn giản bằng cách thay đổi thứ tự thông tin giao tiếp với khách hàng, bạn có thể nhận được kết quả đáng kinh ngạc, hoặc thậm chí có được cho mình một chỗ ngồi miễn phí tại một hội thảo đắt tiền?
Bạn không chắc chắn phải ứng dụng nguyên tắc này như thế nào?
Đừng lo lắng, tôi đã nghiên cứu và xác định các ngữ cảnh và nguyên lý cụ thể mà việc sử dụng cho đi nhận lại là hợp lý nhất. Chỉ cần đón đọc tiếp thôi, bạn sẽ được đi sâu vào các trường hợp thực tế, tìm hiểu về các quy tắc cần tuân theo, thêm vào đó là các mẹo hữu ích. Hãy tận hưởng đi và đừng quên mời bạn bè đi ăn trưa – nhớ là mời trước nhé!
LifeHub