Người đứng đầu Interpol cảnh báo vũ khí mà phương Tây giao cho Ukraine có thể rơi vào tay bọn tội phạm.
Tổng thư ký Interpol Juergen Stock cho biết vũ khí mà Washington và các đồng minh ở châu Âu, cùng một số nước khác gửi tới Kiev có khả năng sẽ bị đưa đến thị trường chợ đen toàn cầu. Nhiều nhóm tội phạm đã để mắt đến những vũ khí này, quan chức này nói với Hiệp hội Báo chí Anh-Mỹ ở Paris.
Ông Stock đã thúc giục các quốc gia thành viên Interpol tích cực hợp tác trong việc truy tìm các vũ khí được giao cho Ukraine, đồng thời nói thêm rằng những người cung cấp vũ khí phải đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực này. Người đứng đầu Interpol cũng dự báo một “làn sóng” vũ khí hạng nặng và cả vũ khí nhỏ sẽ tràn ngập thị trường chợ đen quốc tế ngay sau khi xung đột giữa Moscow và Kiev kết thúc.
“Một khi tiếng súng im bặt, vũ khí bất hợp pháp sẽ tràn lan. Chúng tôi biết điều này từ nhiều cuộc xung đột khác. Như chúng tôi nói, ngay lúc này bọn tội phạm đang tập trung vào chúng”, ông Stock nói và cho biết thêm các nhóm tội phạm sẽ cố gắng “khai thác những tình huống hỗn loạn này” để có được những vũ khí “được quân đội sử dụng, bao gồm cả vũ khí hạng nặng”.
“Không quốc gia hoặc khu vực nào có thể đối phó với nó một mình vì những nhóm này hoạt động ở cấp độ toàn cầu”, ông Stock cảnh báo. Người đứng đầu Interpol cũng nói rằng châu Âu có thể chứng kiến một lượng lớn vũ khí bất hợp pháp. Sau đó, ông kêu gọi thiết lập một hệ thống “theo dõi và truy vết” các vũ khí được gửi đến Ukraine. Ông nói thêm rằng họ đã “liên hệ với các nước thành viên để khuyến khích họ sử dụng các công cụ này”.
Khi được hỏi về khả năng Interpol tham gia vào cuộc điều tra cáo buộc trốn lệnh trừng phạt và “rửa tiền” của các doanh nhân Nga, ông Stock cho biết tổ chức của ông không làm việc này, cũng không tham gia điều tra về các tội ác chiến tranh ở Ukraine. Nhiệm vụ của Interpol yêu cầu họ duy trì “tính trung lập nghiêm ngặt” và tránh bất kỳ hoạt động “chính trị” nào.
“Các kênh liên lạc của chúng tôi vẫn mở (với các nước thành viên) để trao đổi thông tin về tội ác chiến tranh. Nhưng chúng tôi không xem xét tội ác chiến tranh; Interpol không có quyền điều tra” ông nói.
Mỹ, cùng với các đồng minh như Đức và Anh, đã liên tục cung cấp vũ khí cho Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột với Nga vào cuối tháng 2. Hầu hết các thiết bị bao gồm vũ khí nhỏ, tên lửa chống tăng và phòng không di động, cùng với đạn dược và nhiên liệu.
Ngày 1/6, Mỹ cho biết họ sẽ bán cho Ukraine máy bay không người lái chiến đấu MQ-1C Grey Eagle có khả năng mang tới 8 tên lửa Hellfire. Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Slovakia thông báo sẽ cung cấp xe pháo tự hành cho Kiev. Trước đó, Anh cho biết họ đang xem xét trang bị cho Ukraine nhiều bệ phóng tên lửa do Mỹ sản xuất nhưng trước tiên cần sự chấp thuận của Washington.
Việc tiếp tục cung cấp này đã khiến một số cơ quan thực thi pháp luật bày tỏ lo ngại về số phận của những vũ khí này. Vào cuối tháng 5, Europol, cơ quan thực thi pháp luật của UE nói với truyền thông Đức rằng vũ khí được giao cho Ukraine có thể rơi vào tay bọn tội phạm. Người đứng đầu cơ quan, Catherine De Bolle, đã so sánh tình hình hiện tại ở Ukraine với tình hình ở Balkan 30 năm trước, khi Chiến tranh Balkan dẫn đến một dòng vũ khí ồ ạt đổ vào thị trường chợ đen. “Các vũ khí từ cuộc chiến đó vẫn còn các nhóm tội phạm ngày nay sử dụng”, bà De Bolle nói.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết