Bất kể ở độ tuổi nào, đây là một trong những bước để bạn có thể xác định liệu mình đã sẵn sàng để nâng cấp mối quan hệ từ yêu đương sang kết hôn chưa.
Một mối quan hệ đang diễn ra tốt đẹp không phải là dấu hiệu duy nhất cho thấy bạn đã sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân. Vậy, làm thế nào để xác định rằng bạn đã sẵn sàng để nói “đồng ý”?
Quyết định kết hôn là một trong những bước ngoặc lớn nhất trong đời người. Hãy kiểm tra những dấu hiệu này và xem liệu bạn đã sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân hay chưa.
Bạn hiểu và tin tưởng nửa kia
Bất kể hai bạn đã ở bên nhau bao lâu, bạn cần phải hiểu rõ hoàn toàn người ấy. Đừng kết hôn chỉ vì bạn đã hẹn hò được 4 năm hay 10 năm. Hãy kết hôn vì bạn hiểu người bạn đời của mình.
Bạn biết quá khứ của họ, biết hy vọng và ước mơ của họ. Bạn có thể tưởng tượng phản ứng của họ đối với những điều nhất định. Bạn biết tất cả những điều này và bạn vẫn yêu. Ngoài ra, bạn tin tưởng họ. Niềm tin là yếu tố cần thiết cho một cuộc hôn nhân.
Bạn có thể nói về tài chính
Tiền luôn là một vấn đề lớn. Có lẽ nó là điểm ít lãng mạn nhất, nhưng quan trọng nhất. Cả bạn và đối tác của bạn nên thoải mái thảo luận về tài chính và đưa ra một ngân sách phù hợp, không chỉ cho đám cưới mà cho cuộc sống hậu đám cưới.
Điều này cho thấy rằng bạn đã sẵn sàng để quản lý gia đình và hôn nhân. Có thể không thoải mái nhưng hãy ngồi xuống và nói về vấn đề này.
Bạn không muốn thay đổi người ấy
Đừng kết hôn với người yêu của bạn và nghĩ rằng họ sẽ thay đổi. Hãy kết hôn vì bạn yêu họ như bản chất vốn có của họ. Việc ký tên vào đơn đăng ký kết hôn sẽ không thay đổi bất kỳ ai – mặc dù nó có thể khiến bạn phải nỗ lực hơn trong mối quan hệ của mình.
Đừng mong đợi cuộc hôn nhân sẽ thay đổi mối quan hệ của bạn. Một đám cưới sẽ không thể hàn gắn mối rạn nứt lớn giữa hai con người đã có những mâu thuẫn.
Gia đình và bạn bè quý mến người ấy
Giới thiệu người ấy cho gia đình của bạn là một bước quan trọng. Mặc dù bạn không muốn quyết định của mình dựa trên suy nghĩ của gia đình, nhưng ý kiến của họ có thể ảnh hưởng đến việc tiến đến hôn nhân.
Mặc dù chúng ta không kiểm soát được yếu tố này, nhưng nó có thể rất quan trọng. Sự chấp nhận của gia đình bạn đối với người bạn đời của mình có thể giúp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cuộc hôn nhân của cả hai. Thông thường sẽ mất thời gian để đạt được điều này. Hãy kiên nhẫn, vì gia đình bạn cũng đang cần thời gian để xây dựng lòng tin!
Bạn muốn một cuộc hôn nhân, không phải một đám cưới
Đám cưới là bữa tiệc vui vẻ, là cơ hội để gặp gỡ tất cả bạn bè và gia đình của bạn ở một nơi. Nhưng đây có phải là lý do bạn kết hôn? Bạn chỉ muốn có một bữa tiệc lớn và trở thành trung tâm của sự chú ý? Đám cưới kéo dài vài giờ, nhưng một cuộc hôn nhân kéo dài mãi mãi.
Đừng lập kế hoạch cho một ngày – hãy lập kế hoạch cho phần còn lại của cuộc đời bạn. Hãy nghĩ về cuộc sống hàng ngày của bạn với người ấy, ngay cả khi bạn không phải là trung tâm của sự chú ý.
Bạn có thể nhìn thấy tương lai với người này sau ngày cưới của bạn không? Bạn có tưởng tượng sẽ già đi cùng họ không? Hãy hoàn toàn trung thực với bản thân.
Bạn biết rõ lý do tại sao bạn muốn kết hôn
Bạn chỉ đơn giản muốn kết hôn vì đã đến tuổi, để theo kịp bạn bè hay bạn thực sự muốn dành cả cuộc đời mình với nửa kia?
Suy nghĩ về lý do tại sao bạn muốn kết hôn. Bạn sẽ nhận được lợi ích gì khi kết hôn với người bạn đời của mình, thay vì tiếp tục mối quan hệ như hiện tại? Hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi khó và đảm bảo rằng bạn đã sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân.
Lifehub tổng hợp
Nguồn bài viết